Tín dụng tiêu dùng cần có luật riêng

(ĐTCK) Để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh và bền vững, theo các chuyên gia, cần xây dựng khung khổ pháp lý riêng đối với lĩnh vực này.

Dư nợ tín dụng tiêu dùng giảm, nợ xấu báo động

Theo số liệu của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), toàn hệ thống có 15 công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đang hoạt động.

Tính đến cuối tháng 2/2024, dư nợ cho vay tiêu dùng của toàn hệ thống ngân hàng tăng trưởng âm 2,5% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ tín dụng tiêu dùng của 15 công ty tài chính đạt khoảng 138.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống.

Nguyên nhân tăng trưởng tín dụng tiêu dùng âm, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch – Tổng thư ký VNBA, chủ yếu là do tình hình kinh tế khó khăn tác động tới thu nhập của người dân, làm tăng nhu cầu tiết kiệm để dự phòng cho tương lai và giảm nhu cầu chi tiêu.

Bên cạnh đó, thời gian qua bùng phát các loại hình cho vay qua ứng dụng (app) với điều kiện và thủ tục cho vay dễ dàng, nhanh gọn đã thu hút người dân vay qua các app, mà không cần đến các tổ chức tín dụng.

Không chỉ dư nợ cho vay giảm, mà chất lượng tín dụng tiêu dùng cũng đi xuống, nợ xấu tăng cao. Số liệu VNBA đưa ra cho thấy, tỷ lệ nợ xấu cuối 2023 của tín dụng tiêu dùng đạt 3,8% và tăng lên hơn 4% vào cuối tháng 2/2024. Riêng nợ xấu tại các công ty tài chính dù giảm nhẹ so với cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức đáng báo động là 14,63%.

“Nhiều công ty tài chính lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao. Khả năng thu hồi nợ rất khó khăn do khách hàng cố tình không trả nợ, thành lập các hội nhóm bùng nợ trên mạng xã hội, chống đối, vu khống cán bộ thu hồi nợ, làm ảnh hưởng tâm lý cán bộ thu hồi nợ và hình ảnh, uy tín của các tổ chức tín dụng”, ông Hùng nói và cho biết thêm, trước khó khăn trong công tác thu hồi nợ cho vay tiêu dùng, VNBA đã có nhiều văn bản gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị có giải pháp xử lý nghiêm tội phạm “tín dụng đen”, các hội nhóm “bùng nợ”…

Dù đã có kết quả là các hội nhóm “bùng nợ” trên mạng xã hội đã phần nào được gỡ bỏ, song một bộ phận khách hàng vẫn cố tình chây ỳ, không trả nợ, nên cần có giải pháp xử lý mạnh hơn.

Lãnh đạo VNBA kỳ vọng, thời gian tới, với việc tích hợp định danh điện tử hỗ trợ chấm điểm tín dụng đối với khách hàng cá nhân sẽ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của của người dân. Đặc biệt, hành lang pháp lý cho thu hồi nợ cũng cần sớm hoàn thiện để hoạt động thu hồi nợ được thực hiện thuận lợi, hiệu quả hơn.

Nhiều khách hàng cố tình không trả nợ, thành lập các hội nhóm bùng nợ trên mạng xã hội, chống đối, vu khống cán bộ thu hồi nợ, làm ảnh hưởng tâm lý cán bộ thu hồi nợ và hình ảnh, uy tín của các tổ chức tín dụng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng Phó chủ tịch – Tổng thư ký VN.

Cùng quan điểm, Thượng tá Lê Vinh Tùng – Phó trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho rằng, trọng tâm là ứng dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành để quản lý nhà nước.

Trước mắt, hoàn tất việc xác thực, làm sạch và loại bỏ sim “rác”, tài khoản ngân hàng “ảo”; xác thực thông tin các tài khoản trên không gian mạng; hỗ trợ các tổ chức tín dụng chính thống rút ngắn thời gian, thủ tục cấp tín dụng cho người dân góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước nói chung, phòng chống hoạt động “tín dụng đen” nói riêng.

Đồng thời, thúc đẩy các gói vay tín chấp qua dữ liệu dân cư để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vay vốn chính thống.

Cần có luật riêng

Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, hoạt động tín dụng cho vay trực tuyến của các công ty tài chính là xu hướng phát triển tất yếu, thông qua hình thức này sẽ mang nhiều lợi ích cho công ty tài chính và người tiêu dùng.

Pháp luật hiện hành đã có những quy định kiểm soát hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng nói chung và cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính nói riêng, nhưng chưa có các quy định đặc thù nhằm điều chỉnh hoạt động cho vay thông qua các ứng dụng công nghệ.

Vì vậy, cần nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm làm rõ các điều kiện và phương thức cho vay trực tuyến.

Đồng thời, nghiên cứu các cơ chế để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến tại các công ty tài chính ở Việt Nam.

Bởi bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính là việc đảm bảo người tiêu dùng có quyền tiếp cận với thông tin các sản phẩm, dịch vụ tài chính minh bạch, thực hiện các giao dịch tài chính công bằng, theo các quy định của hệ thống luật pháp.

Để hạn chế “tín dụng đen”, bảo vệ người vay tiêu dùng, Thượng tá Lê Vinh Tùng kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp các bộ, ngành rà soát, phát hiện, yêu cầu doanh nghiệp có liên quan tăng cường kiểm duyệt, gỡ bỏ, cấm hoạt động đối với các ứng dụng, website liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; có phương án sao lưu, phục hồi dữ liệu phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp có liên quan theo quy định pháp luật hiện hành.

Ngân hàng Nhà nước tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực của ngành ngân hàng dễ bị các đối tượng lợi dụng để hoạt động “tín dụng đen” (vay trực tuyến, vay ngang hàng, trung gian thanh toán, ví điện tử, đầu tư, kinh doanh dịch vụ tài chính…); tăng cường quản lý nhà nước trong việc cấp phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với các công ty tài chính, tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, ví điện tử; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện các vi phạm để xử lý nghiêm.

Về phía cơ quan quản lý, tại một hội thảo tổ chức giữa tháng 4/2024, đại diện Cơ quan Thanh tra – Giám sát (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, nên có luật riêng cho lĩnh vực cho vay tài chính tiêu dùng là Luật Bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Theo vị này, Cục Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công thương chỉ xử lý được nội dung chung chung, khó phát huy được vai trò trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Hiện đã có Luật Bảo hiểm tiền gửi bảo vệ người gửi tiền, nhưng dưới góc độ người đi vay lại chưa có cơ chế cụ thể, nên cần thiết phải có quy định xử lý mối quan hệ người cung cấp dịch vụ tài chính và người đi vay.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 43/2016 quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính và Thông tư 18/2019 sửa đổi một số điều của Thông tư 43 (sửa đổi điều chỉnh phù hợp với Luật Đầu tư, bảo đảm sự thống nhất về luật).

Dù Thông tư 43 ban hành sau khi đã tham khảo nhiều ý kiến cũng như kinh nghiệm nhiều nước, trong đó quy định nguyên tắc, cách công bố thông tin lãi suất, tính minh bạch khi thu hồi nợ, nhắc nợ…, nhưng đại diện Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, vẫn có những hạn chế.

“Cần có bộ quy tắc ứng xử không chỉ có thu hồi nợ, mà có thể các hiệp hội ngành nghề đưa ra thỏa thuận, thực hiện thống nhất, làm lành mạnh thị trường. Người tiêu dùng cần nhận thấy lợi ích rõ ràng, nếu vay ở thị trường chính thức được pháp luật bảo vệ hiệu quả hơn.

Làm tài chính dựa trên uy tín, tin tưởng lẫn nhau, nếu bảo vệ tốt cả 2 bên cho vay và đi vay, cần phải có quy định riêng chi tiết hơn về lĩnh vực này”, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm.

Cùng quan điểm, ông Moon Youngso, Tổng giám đốc Công ty TNHH Mua bán nợ Welcome cho rằng, cần có bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động thu hồi nợ. Bộ quy tắc này hướng dẫn các nhân viên, doanh nghiệp, khách hàng thực hiện các giao dịch đạt chuẩn mực xã hội và tuân thủ tốt các quy định pháp luật.

Với khách hàng, bảo đảm các biện pháp thu hồi nợ được thực hiện công bằng, minh bạch. Đối với doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu suất thu hồi nợ, bảo đảm mọi hoạt động của doanh nghiệp nằm trong chuẩn mực đạo đức và khuôn khổ pháp luật. Bên cạnh đó, quy tắc ứng xử giúp tạo môi trường kinh doanh hiệu quả, bền vững, an toàn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!