(ĐTCK) VN-Index mất gần 10 điểm; Nợ xấu của ngành ngân hàng: Tốc độ tăng chậm lại; Lối cho cá nhân được mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ… khá hẹp; VN-Index thường có phản ứng tích cực sau sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ; IMF: Xuất hiện nhiều rủi ro cản bước phục hồi của kinh tế châu Á…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 1/11 giảm 500.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 87,50 – 89,50 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm mạnh 43,5 USD xuống 2.744 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và đi ngang quanh 2.750 USD/ounce cho đến cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,11 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 1/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.242 đồng/USD, giảm nhẹ 1 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.114 – 25.454 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ 72.200 USD xuống 70.300 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục giảm và lùi về 69.300 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,94 USD (+2,80%), lên 71,20 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,90 USD (+2,61%), lên 74,69 USD/thùng.
VN-Index giảm gần 10 điểm
Áp lực bán từ sớm khiến VN-Index điều chỉnh giảm về vùng 1.260 điểm với sắc đỏ lan rộng.
Bước sang phiên chiều, nhóm bluechip xuất hiện nhiều sắc đỏ hoặc nới rộng biên độ giảm và khiến VN-Index mất gần 10 điểm và lùi về vùng giá thấp nhất trong ngày khi đóng cửa.
Kết thúc phiên giao dịch 1/11: VN-Index giảm 9,59 điểm (-0,76%), xuống 1.254,89 điểm; HNX-Index giảm 0,95 điểm (-0,42%), xuống 225,41 điểm; UPCoM-Index giảm 0,41 điểm (-0,45%), xuống 91,96 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên thứ Năm (31/10), sau khi cảnh báo từ Microsoft và Meta Platforms về chi phí cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) gia tăng có thể ảnh hưởng đến dòng tiền đối với các cổ phiếu tăng trưởng.
Hai cổ phiếu lớn là Meta Platforms (Facebook) giảm 4%, trong khi Microsoft giảm 6%, sau khi cho biết chi phí vốn của họ đang tăng lên do các khoản đầu tư vào lĩnh vực AI, điều này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận trong tương lai.
Kết thúc phiên 31/10: Chỉ số Dow Jones giảm 378,08 điểm (-0,90%), xuống 41.763,46 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 108,22 điểm (-1,86%), xuống 5.705,45 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 512,78 điểm (-2,76%), xuống 18.095,15 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản lao dốc, ảnh hưởng bởi phiên giảm đêm qua trên Phố Wall và áp lực từ đồng yên mạnh lên
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,63% xuống 38.053,67 điểm, nhưng vẫn tăng 0,37% trong tuần.
Chỉ số Topix giảm 1,9% xuống 2.644,26 điểm, và tăng 0,99% trong tuần này.
Hôm thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 0,25%, nhưng những nhận xét ít ôn hòa hơn từ thống đốc Ngân hàng trung ương đã khiến đồng yên mạnh lên so với đồng USD.
Các cổ phiếu lớn đều giảm, như SoftBank Group giảm 5,62%, Fast Retailing giảm 2,79% và Advantest giảm 4,41%.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, ngay cả khi dữ liệu cho thấy doanh số bán nhà tăng trưởng trở lại.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,24% xuống 3.272,01 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,02% xuống 3.890,02 điểm.
Theo China Real Estate Information Corp., doanh số bán nhà mới của 100 công ty bất động sản lớn nhất đã tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 435,5 tỷ nhân dân tệ (61,2 tỷ USD). Tốc độ tăng trưởng này đảo ngược so với mức sụt giảm 37,7% trong tháng 9.
“Chúng tôi cho rằng điều này là do sự cải thiện mạnh mẽ trong tâm lý người mua, do lập trường kiên quyết của chính quyền trung ương trong việc giải cứu thị trường bất động sản”, Raymond Cheng, giám đốc điều hành tại CGS International Securities ở Hồng Kông cho biết.
“Chính quyền trung ương nhận ra tầm quan trọng của thị trường bất động sản đối với nền kinh tế và sẽ đẩy nhanh việc đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ hơn để kích thích nhu cầu thực sự và giải phóng hàng tồn kho. Do đó, chúng tôi kỳ vọng doanh số bán bất động sản sẽ tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng trong quý IV và năm 2025”, Raymond Cheng cho biết thêm.
Chứng khoán Hồng Kông tăng, sau khi doanh số bán bất động sản tại Trung Quốc quay trở lại đà tăng trưởng lần đầu tiên trong năm nay.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,93% lên 20.505,38 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,08% lên 7.342,92 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi nhóm cổ phiếu lớn ngành chip nới đà đi xuống.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 13,79 điểm, tương đương 0,54% xuống 2.542,36 điểm.
Cổ phiếu nhà sản xuất chip Samsung Electronics giảm 1,52%, trong khi cổ phiếu SK Hynix mất 2,2%.
Kết thúc phiên 1/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 1.027,58 điểm (-2,63%), xuống 38.053,67 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 7,81 điểm (-0,24%), xuống 3.272,01 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 189,10 điểm (+0,93%), lên 20.506,43 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 13,79 điểm (-0,54%), xuống 2.542,36 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
– Nợ xấu của ngành ngân hàng: Tốc độ tăng chậm lại
Đến thời điểm này, ngoại trừ nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, hầu hết các ngân hàng tư nhân đã công bố báo cáo tài chính quý III/2024. Số liệu cho thấy nợ xấu nhìn chung tăng nhẹ so với quý trước đó..>> Chi tiết
– Lối cho cá nhân được mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ… khá hẹp
Dự thảo một luật sửa 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính vừa được Chính phủ trình Quốc hội đã bỏ quy định cấm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Dù vậy, với các điều kiện khắt khe, cơ hội tham gia thị trường này của nhà đầu tư cá nhân là rất nhỏ..>> Chi tiết
– PHS: VN-Index thường có phản ứng tích cực sau sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ
Theo PHS, một điều chắc chắn rằng dù ứng viên nào thắng cử, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục duy trì sự quan tâm đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam..>> Chi tiết
– IMF: Xuất hiện nhiều rủi ro cản bước phục hồi của kinh tế châu Á
Hôm nay (1/11), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, rủi ro đối với nền kinh tế châu Á đã gia tăng do căng thẳng thương mại leo thang, những khó khăn của thị trường bất động sản Trung Quốc và những biến động thị trường tiếp tục làm lu mờ triển vọng..>> Chi tiết