Mùa báo cáo kinh doanh phân hóa, chiến lược đầu tư nào cho giai đoạn mới?

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch buồn tẻ trong tháng 10, tháng công bố báo cáo tài chính quý III/2024. Chỉ số biến động trong biên độ hẹp với thanh khoản giảm mạnh. Dòng tiền trên thị trường có sự phân hóa khi tập trung vào các nhóm ngành, cổ phiếu có thông tin tích cực, kết quả kinh doanh tăng trưởng cao và ngược lại.

Chỉ nổi sóng nếu có yếu tố bất ngờ

Tuần qua, chỉ số VN-Index tiếp tục gặp thử thách khi chỉ số giảm, thanh khoản yếu dần. Tâm lý e ngại của nhà đầu tư một phần đến từ bất ổn địa chính trị tại khu vực Trung Đông; chỉ số DXY tăng lên mức 104 điểm, mức cao nhất trong 4 tuần qua, tạo áp lực lên tỷ giá tại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam và sự đồng điệu của giá vàng là các trở ngại cho thị trường trong ngắn hạn.

Từ chiều 18/10/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kích hoạt trở lại việc hút VND qua kênh tín phiếu trong bối cảnh tỷ giá “nổi sóng” từ tháng 10/2024, sau chuỗi giảm kéo dài từ giữa tháng 6 đến tháng 9. Theo đó, NHNN phát hành tín phiếu kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày. Động thái này của NHNN đã khiến lãi suất liên ngân hàng bật tăng trong vài tuần qua.

Tại nhiều room đầu tư chứng khoán, các môi giới chia sẻ góc nhìn, tình hình này nếu kéo dài có thể tác động tiêu cực đến xu hướng lãi suất, nhất là giai đoạn cuối năm, hệ thống thường đối mặt với áp lực thanh khoản, nhưng không tạo ra một cú sốc mạnh đến vĩ mô cũng như thị trường chứng khoán. Theo đó, nhà đầu tư có thể tiếp tục theo dõi thị trường và nắm giữ cổ phiếu các ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt như cao su (GVR, DRC), thuỷ sản (ANV, VHC), dệt may (MSH, TNG). Đây là các nhóm ngành có tăng trưởng tốt quý này trong điều kiện thương mại nhiều thử thách.

Mùa báo cáo kinh doanh phân hóa, chiến lược đầu tư nào cho giai đoạn mới?

Diễn biến của nhiều cổ phiếu trong mùa báo cáo quý III cho thấy sức hút dòng tiền của nhóm tăng trưởng. Điển hình là BMP liên tiếp phá đỉnh, song hành với con số lãi gộp quý III đạt mức cao nhất từ trước đến nay, qua đó, ghi nhận 290 tỷ đồng lãi ròng, tăng 39% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Sabeco (mã SAB) vừa báo lãi quý III tăng nhẹ 7% so với cùng kỳ và cơ cấu tài sản mạnh mẽ với khoản mục tiền, tiền gửi ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (xấp xỉ 70%) trong cơ cấu tài sản, với giá trị 22.414 tỷ đồng (số tiền này giúp hãng bia thu về 780 tỷ đồng lãi tiền gửi sau 9 tháng đầu năm). Tuy nhiên, giá cổ phiếu SAB đã liên tục giảm từ năm 2018 tới nay. Tính trong 1 năm gần nhất, thị giá cổ phiếu này chỉ tăng hơn 3%, còn trong 1 tháng gần nhất giảm 3,3%, phản ánh các lo ngại của nhà đầu tư đối với các thách thức mà SAB gặp phải trong kinh doanh.

Khá nhiều doanh nghiệp báo lãi quý III nhưng cổ phiếu lại có xu hướng giảm giá ngắn hạn, như FPT tiếp tục phá đỉnh lợi nhuận trong quý III, tăng trưởng gần 16% so với cùng kỳ năm trước nhưng giá cổ phiếu giảm từ đỉnh 141.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 134.000 đồng/cổ phiếu. Nguyên nhân được cho là giá cổ phiếu đã phản ánh kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trước đó và vào vùng định giá không hấp dẫn.

Tương tự, HPG công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng, với nhuận sau thuế quý III đạt 3.022 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đạt 9.210 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ và đạt 92% kế hoạch lợi nhuận năm, song thị giá cổ phiếu cũng lao đầu giảm.

Ở những nhóm có bức tranh kinh doanh ảm đạm như bất động sản thì cổ phiếu cũng chỉ có những con sóng li ti, hay với nhóm chứng khoán có sự sụt giảm so với cùng kỳ nên không thể thu hút dòng tiền giai đoạn này.

Ông Nguyễn Duy Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét, mùa báo cáo tài chính quý III năm nay, có cổ phiếu tăng vọt, có cổ phiếu cắm đầu đi xuống, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân số liệu kết quả kinh doanh quý III có sự bất ngờ so với con số dự báo và kỳ vọng của giới đầu tư. Thường thì thị giá cổ phiếu tăng vọt là do số thực tế cao hơn dự báo và kỳ vọng, đi kèm là triển vọng ngành được đánh giá sẽ tiếp tục tích cực trong 2 – 3 quý tới, và ngược lại.

Chiến lược đầu tư cho giai đoạn mới

Theo ông Phương, thị trường chứng khoán đang tích lũy và biến động trong kênh giá hẹp, do đó, chiến lược giao dịch hiệu quả giai đoạn này là canh mua vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản chất lượng cao ở các nhịp điều chỉnh về vùng định giá hợp lý, rẻ, sau đó kiên nhẫn nắm giữ chờ các nhịp kéo tăng mạnh thì chốt lãi.

Tiêu chí để lựa chọn cổ phiếu đầu tư, theo ông Phương gợi ý, thứ nhất là doanh nghiệp đầu ngành có lợi thế cạnh tranh mạnh; thứ hai, sức khỏe tài chính lành mạnh; thứ ba, có câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2025; thứ tư, định giá còn hấp dẫn.

Để biết định giá của cổ phiếu còn hấp dẫn hay không, ông Phương cho rằng, phải căn cứ trên dự báo lợi nhuận của năm 2025 (tốc độ tăng trưởng lợi nhuận). Để dự phóng được chỉ tiêu này, đòi hỏi nhà đầu tư phải dành thời gian tìm hiểu chuỗi giá trị của doanh nghiệp (đầu vào, đầu ra, tình hình tài chính…). Ông Phương chia sẻ một số cổ phiếu thuộc một số ngành có định giá hấp dẫn, như ngân hàng (VCB, VIB), họ FPT (FPT, FRT), họ Viettel (VTP), bán lẻ (MWG), dầu khí (PVB), cảng hàng không (ACV, SCS), hóa chất (DGC), thép (HPG).

Nhìn lại diễn biến chỉ số VN-Index trong vòng 12 tháng qua, chỉ số tăng lên từ tháng 11/2023 – 3/2024, sau đó chuyển sang giai đoạn đi ngang 7 tháng. Hầu hết các cổ phiếu đều sẽ có dạng như thế này.

Theo quan sát của trưởng phòng tư vấn đầu tư một công ty chứng khoán Top 3 thị phần môi giới, nếu nhà đầu tư chọn được cổ phiếu “dạng cực phẩm” như FPT, hoặc chọn cổ phiếu đi ngang nhưng canh đúng điểm mua thấp và bán khi tăng cao thì có lãi. Còn nếu nhà đầu tư chọn dạng cổ phiếu đi ngang tương tự như HPG thì xác suất cao là hòa vốn hoặc lỗ nhẹ.

Vị này cho rằng, HPG là dạng cổ phiếu chờ thời chưa vào sóng, dạng này đang chiếm khoảng 50% thị trường hiện tại. Theo đó, nhà đầu tư mua gom tích lũy cần lưu ý rằng cổ phiếu khi chưa vào sóng sẽ đi ngang rất lâu. Có trường hợp đi ngang tận 2 năm như BMP để rồi khi vào sóng thì tăng gấp đôi sau vài tháng.

Với dạng cổ phiếu suy yếu mạnh hơn so với thị trường, đa phần những nhà đầu tư dính vào dạng này là do mua cổ phiếu nhưng lại không quan tâm đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tốt hay xấu. Thường thì dạng này sẽ giảm sâu, lâu lâu bật tăng bất ngờ, tạo cảm giác có sóng lớn nhưng sau đó lại quay đầu giảm, làm nhà đầu tư càng đánh càng kẹt.

Vị trưởng phòng môi giới khuyến nghị nhà đầu tư hãy tìm cơ hội ở các cổ phiếu đi ngang cả năm nay chưa vào sóng tăng và có triển vọng cho năm 2025 như HPG, nhờ dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 có quy mô 280 ha, tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) chất lượng cao/năm sắp đi vào hoạt động (theo kế hoạch, phân kỳ 1 của dự án này sẽ đi vào hoạt động từ đầu quý I/2025; phân kỳ 2 hoàn thiện và hoạt động vào quý IV/2025). Đây là dự án sẽ đóng góp lớn cho triển vọng của HPG với điểm rơi doanh thu, lợi nhuận bắt đầu từ quý I/2025. Hoặc nhà đầu tư có thể cân nhắc cổ phiếu PVT, với kết quả kinh doanh tốt, giá chưa tăng nhiều; PVS, với thông tin hỗ trợ từ dự án Lô B, kết quả kinh doanh ổn.

Sự chuyển dịch tăng trưởng GDP của Việt Nam từ việc được thúc đẩy bởi các yếu tố bên ngoài trong năm 2024 sang các yếu tố nội tại vào năm 2025 sẽ có lợi cho thị trường chứng khoán, vì phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam được sản xuất bởi các công ty FDI, không được niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước. Vì điều này cùng với nhiều lý do khác, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng giám đốc Khối Đầu tư chứng khoán VinaCapital dự báo tốc độ tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp trong rổ VN-Index từ mức 18% trong năm 2024 sẽ tăng lên 23% vào năm 2025.

Trong đó, bà Thu dự báo, tăng trưởng lợi nhuận trong lĩnh vực bất động sản gắn liền với kỳ vọng về sự gia tăng hoạt động phát triển bất động sản (bất động sản và ngân hàng chiếm hơn một nửa vốn hóa thị trường tổng thể và lợi nhuận của cả hai lĩnh vực này có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau).

Các chuyên gia tham dự Hội nghị Nhà đầu tư của VinaCapital cũng thảo luận về tác động của các quy định mới về bất động sản, giúp quy trình phê duyệt trở nên minh bạch hơn nhưng cũng có khả năng tác động tiêu cực đến các nhà phát triển nhỏ hơn, điều này có thể thúc đẩy một số hoạt động hợp nhất trong lĩnh vực này trong thời gian tới. Quan trọng là, quy trình phê duyệt cho các dự án mới đang được rút ngắn và có thể hỗ trợ gia tăng lợi nhuận của các ngân hàng vào năm 2025. Tóm lại, sự phục hồi của ngành bất động sản được kỳ vọng sẽ là động lực chính cho nhu cầu vay (và tăng trưởng lợi nhuận) của ngành ngân hàng trong năm tới.

Ngoài ra, bà Thu nhấn mạnh, chất lượng lợi nhuận tại Việt Nam rất cao, thể hiện qua tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của toàn thị trường dự kiến khoảng 16% vào năm tới, mặc dù tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ khoảng 24%. Cả hai chỉ số này đều ở mức khả quan so với các thị trường chứng khoán mới nổi trong khu vực (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines). ROE của các thị trường này dao động từ khoảng 10 – 14%.

“Hơn nữa, mức định giá P/E dự phóng khoảng 10x của thị trường Việt Nam thấp hơn khoảng 25% so với các thị trường trong khu vực. Đây cũng là mức rất thấp so với mức lịch sử, thị trường chỉ giao dịch ở mức định giá thấp như thế này một lần trong 10 năm qua, vào thời kỳ Covid-19”, bà Thu cho biết.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!