(ĐTCK) Đó là chia sẻ của luật gia Trần Nguyên Đán với Báo Đầu tư Chứng khoán xung quanh câu chuyện công bố thông tin bảo hiểm hiện nay.
Bảo hiểm là lĩnh vực kinh doanh đặc thù, nơi minh bạch là một trong những yếu tố quyết định tới sự phát triển, hiện yếu tố này được đánh giá ra sao?
Với thị trường bảo hiểm Việt Nam, dù trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, nhưng vẫn còn non trẻ so với lịch sử hàng trăm năm của ngành bảo hiểm thế giới, nên trong quá trình hoạt động vẫn còn những tồn tại.
Để tăng cường tính minh bạch của thị trường cũng như đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều giải pháp, chẳng hạn bổ sung các quy định nhằm nâng cao chất lượng của đại lý bảo hiểm, có các quy định riêng về việc triển khai bán bảo hiểm qua ngân hàng; tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giám sát hoạt động tư vấn của đại lý; yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phải xây dựng bản tóm tắt hợp đồng bảo hiểm, trong đó nêu rõ các quyền lợi, thời hạn, các nghĩa vụ đóng phí, cung cấp thông tin…
Luật gia Trần Nguyên Đán |
Thị trường vừa trải qua cuộc khủng hoảng truyền thông bảo hiểm lớn nhất từ trước tới nay, dẫn tới niềm tin vào bảo hiểm càng xuống thấp. Do đó, minh bạch càng trở nên quan trọng để vực dậy niềm tin thị trường, bao gồm cả hoạt động công bố thông tin bảo hiểm. Ông đánh giá thế nào về hoạt động này hiện nay?
Có thể thấy, thời gian qua, thông tin trên thị trường bảo hiểm được cung cấp bởi Bộ Tài chính, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, công ty bảo hiểm… tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu tính cập nhật, thiếu đầy đủ. Trong khi đó, đây là nguồn dữ liệu quan trọng giúp mua bảo hiểm chính xác, cũng như đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm. Đặc biệt, sau cuộc khủng hoảng truyền thông vừa qua, những thông tin về bảo hiểm càng được quan tâm.
Theo Nghị định 43/2023NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra, việc công khai thông tin thanh tra phải được thực hiện ít nhất 15 ngày liên tục trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành.
Ngoài ra, còn phải chọn lựa thêm hình thức công bố khác là công bố tại cuộc họp với thành phần gồm người ra quyết định thanh tra hoặc người được ủy quyền, đại diện Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng (bao gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử), niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra do đối tượng thanh tra thực hiện (ít nhất là 15 ngày liên tục).
Điều này cho thấy, Chính phủ mong muốn các kết luận thanh tra được công bố rộng rãi để mọi người dân, mọi thành phần kinh tế có thể nắm bắt. Thế nhưng, trong mảng kinh doanh bảo hiểm, dường như kỳ vọng này chưa được đảm bảo.
Tôi cho rằng, các kết luận thanh tra nếu được công bố trong thời gian càng dài thì càng tránh những tâm tư, hoài nghi không đáng có về việc cơ quan thanh tra có công bố đúng quy định, nội dung các kết luận thanh tra có đảm bảo tính trung thực hay không…
Nhìn sang lĩnh vực bảo hiểm xã hội, trên website của cơ quan thanh tra bảo hiểm xã hội hiện vẫn lưu trữ toàn văn kết luận thanh tra tại nhiều doanh nghiệp, tổ chức từ đầu năm 2024. Tương tự, cơ quan thanh tra của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng lưu các kết luận thanh tra toàn văn từ năm 2023 đến nay.
Có nhiều ý kiến cho rằng, với công tác thanh tra nói chung, chứ không riêng lĩnh vực bảo hiểm, vẫn còn nhiều nơi và nhiều vụ việc chưa tuân thủ đúng quy định nhưng chưa bị xử lý vì còn thiếu chế tài. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Chúng ta làm ra luật để thực thi thì cũng phải có các chế tài xử lý. Việc vi phạm luật mà không bị xử phạt thì luật cũng không còn ý nghĩa, cơ quan quản lý nhà nước cũng không là ngoại lệ.
Trên thực tế, không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, mà ở nhiều lĩnh vực khác, công tác công bố kết luận thanh tra còn bị xem nhẹ. Bởi vậy, cần sớm có chế tài xử lý nghiêm khắc để khắc phục tình trạng này.
Trách nhiệm công khai toàn văn kết luận thanh tra là của cơ quan thực hiện công tác thanh tra. Vi phạm kinh doanh bảo hiểm không phải là thông tin bí mật Nhà nước hay bí mật kinh doanh theo quy định pháp luật hiện hành nên càng phải được công bố công khai, đầy đủ và trong thời gian dài.
Tôi mong rằng, trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm cần thực sự được đặt lên hàng đầu và nhà quản lý cần quyết liệt hơn trong việc chấn chỉnh các sai phạm trong lĩnh vực này, cho dù có phải đụng chạm đến các cơ quan quản lý ở các lĩnh vực khác.
Để minh bạch hóa thông tin bảo hiểm, hướng tới một thị trường bảo hiểm ổn định, bền vững, theo ông, công tác công bố thông cần lưu ý gì?
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bảo hiểm bắt buộc phải công khai các thông tin bất thường như quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, còn thông tin về kết luận thanh tra bảo hiểm lại không thuộc diện này.
Ngoài ra, các thông tin gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm và thông tin gây ảnh hưởng trọng yếu đến nguồn vốn, khả năng thanh toán, công tác quản trị… của doanh nghiệp bảo hiểm cũng nằm trong diện buộc phải công khai và do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết, nhưng hình thức công bố những thông tin này như thế nào lại chưa có hướng dẫn cụ thể.
Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định rõ, các thông tin bất thường phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp bảo hiểm, phải hiển thị thời gian đăng tải thông tin, đồng thời phải đảm bảo người sử dụng có thể tìm kiếm và tiếp cận được các dữ liệu trên trang thông tin điện tử đó, phải được lưu giữ dưới dạng dữ liệu điện tử và văn bản (nếu có) trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp tối thiểu 5 năm kể từ ngày thông tin được công khai.
Đối với các công ty bảo hiểm là công ty đại chúng thì còn phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ các nội dung trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp đó tối thiểu là 5 năm kể từ ngày thông tin được công khai. Tuy nhiên, tìm kiếm trên website của hầu hết công ty bảo hiểm thuộc diện công ty đại chúng lại không thấy dữ liệu này, trong khi hàng năm có hàng chục bản án được ban hành. Thông tin trên website Tòa án Nhân dân Tối cao (https://congbobanan.toaan.gov.vn) cho thấy, trong năm 2023, ở cả 2 khối bảo hiểm phi nhân thọ và nhân thọ có 52 vụ kiện đã có bản án được ban hành, tăng hơn 3 lần so với năm 2022.
Ngoài ra, công ty bảo hiểm trên sàn chứng khoán còn phải công khai thông tin trong trường hợp nhận biết được sự kiện, thông tin tác động đến giá chứng khoán công ty mình và phải xác nhận hoặc đính chính về sự kiện, thông tin đó.
Tính đến thời điểm hiện tại, có 13 công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm, công ty có công ty con hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm đang giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán gồm BIC, BMI, BVH, MIG, PGI (HOSE); PTI, PVI, PRE, VNR (HNX) và ABI, AIC, BHI, BLI (UPCoM).
Ghi nhận thực tế cho thấy, ngoại trừ các công ty bảo hiểm trên sàn chứng khoán, công ty bảo hiểm đại chúng, công ty bảo hiểm nước ngoài phải công bố thông tin theo quy định của pháp luật chứng khoán, pháp luật bảo hiểm hiện hành, đa phần công ty bảo hiểm không thuộc diện này đều xem nhẹ việc công khai báo cáo tài chính cũng như các thông tin trọng yếu liên quan đến hoạt động của công ty mình.