MAP Life thấy nhiều cơ hội trong thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam

Ông Khamsaya Soukhavong – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Mirae Asset Prévoir (MAP Life)

(ĐTCK) “Chúng tôi nhận thấy vẫn còn rất nhiều cơ hội khi tham gia thị trường bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam. MAP Life luôn điều chỉnh mô hình của mình cho phù hợp với yêu cầu của thị trường và chúng tôi sẽ tiếp tục giữ vững định hướng của mình với mục tiêu cuối cùng là bảo vệ con người trước những rủi ro trong cuộc sống”, ông Khamsaya Soukhavong – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Mirae Asset Prévoir (MAP Life) nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán.

Chúc mừng ông đã quay trở lại vị trí lãnh đạo cao nhất của MAP Life. Ông nhìn thấy cơ hội nào của thị trường bảo hiểm nhân thọ nói chung và MAP Life nói riêng sau những biến động chưa từng có của ngành bảo hiểm tại Việt Nam?

Sự hiện diện của chúng tôi tại Việt Nam bắt đầu từ cuối những năm 90 với tư cách văn phòng đại diện, sau đó chính thức nhận giấy phép thành lập và hoạt động vào năm 2005. Chúng tôi rất biết ơn vì đã có hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam

Chúng tôi đã chứng kiến những bước phát triển nhanh chóng và tích cực ở Việt Nam trong suốt những năm qua, cũng như tác động của chúng đối với tầng lớp dân số trẻ và năng động. Một bộ phận lớn dân số trẻ của Việt Nam ngày nay dự kiến sẽ chuyển sang tầng lớp giàu có với thu nhập khả dụng cùng nhu cầu tiết kiệm và bảo vệ tăng đáng kể.

Chúng tôi luôn điều chỉnh mô hình của mình cho phù hợp với yêu cầu của thị trường và chúng tôi sẽ tiếp tục giữ vững định hướng của mình với mục tiêu cuối cùng là bảo vệ con người trước những rủi ro trong cuộc sống.

Nhìn chung, chúng tôi có cơ hội dài hạn rất lớn khi tham gia và giúp phát triển lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam. Các chỉ số và tỷ lệ cơ bản trên toàn ngành đều cho thấy điều đó. Thị trường đang thay đổi nhanh chóng và tạo cơ hội cho những sáng kiến mới nhằm tạo ra một thị trường ngách hấp dẫn.

Những hạn chế đã bộc lộ trong việc bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) buộc các công ty bảo hiểm phải nhìn nhận lại và có những điều chỉnh trong phương thức hợp tác bán bảo hiểm với đối tác. Ngân hàng sẽ không còn là “con gà đẻ trứng vàng” cho doanh nghiệp bảo hiểm. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Ở cấp độ vĩ mô, Việt Nam có nhiều dư địa để tăng trưởng cả về thu nhập tín dụng và phí từ phía ngân hàng. Thị trường bancassurance ở Việt Nam phát triển nhanh trong những năm gần đây, nhưng quy mô còn tương đối nhỏ. Kênh đại lý cá nhân vẫn đang chiếm ưu thế như là kênh phân phối chính của hầu hết các công ty bảo hiểm.

Hiện tại, các ngân hàng ở Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào thu nhập từ lãi suất. Tỷ trọng đóng góp của thu nhập phí vào doanh thu ở mức thấp so với các ngân hàng khác trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, bancassurance sẽ là động lực chính để thay đổi tình trạng này.

Thực tế, thị trường bancassurance vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển. Các ngân hàng và công ty bảo hiểm đang tìm cách hợp tác tốt nhất. Với khuôn khổ mới, chất lượng của việc tư vấn cho khách hàng sẽ là yếu tố chính. Để có được bancassurance đúng cách là một thách thức lớn. Cần có sự hiểu biết toàn diện về phân khúc mục tiêu, cam kết quan trọng từ cả công ty bảo hiểm và ngân hàng cũng như sự tận tâm để thực hiện thành công. Nếu thực hiện đúng, bancassurance có thể tạo ra lợi nhuận hấp dẫn cho tất cả các bên liên quan, đặc biệt là cho khách hàng.

Hiện nay, cùng với việc chấn chỉnh lại các kênh bán hàng, rà soát lại điều khoản sản phẩm bảo hiểm, các công ty bảo hiểm tiếp tục đầu tư vào việc cải tiến làm cho các quy trình của một hợp đồng bảo hiểm trở nên “dễ chịu” hơn từ lúc tham gia hợp đồng cho đến chi trả quyền lợi bảo hiểm được thực hiện nhanh chóng bằng các công nghệ hiện đại. Tại MAP Life, các quy trình này đã, đang và sẽ được đơn giản hóa như thế nào?

Thời gian qua, MAP Life đã đầu tư đáng kể vào công nghệ thông tin bằng cách đầu tư xây dựng hệ thống lõi mới và sẽ tiếp tục bổ sung các công nghệ mới khác để cải thiện và cập nhật quy trình vận hành của chúng tôi cho phù hợp với yêu cầu mới của các quy định pháp luật.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào tài sản lớn nhất của mình là năng lực chuyên môn cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao. Những năm tới sẽ rất thú vị và còn nhiều cơ hội cho những sáng kiến, đổi mới nhằm làm cho các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trở nên đơn giản hơn và phù hợp khả năng tài chính hơn cho mọi người.

Để tăng niềm tin vào các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, chúng ta cần cả công nghệ và yếu tố con người: Việc có một tư vấn tài chính chuyên nghiệp giải thích rõ ràng lợi ích của sản phẩm là chìa khóa cho sự tăng trưởng bền vững.

Các công nghệ mới sẽ được triển khai để làm phong phú thêm trải nghiệm của khách hàng, hỗ trợ kiểm soát chất lượng và đảm bảo tuân thủ.

Có một số nhận định cho rằng, cuối quý II và có thể sang quý III năm nay, thị trường bảo hiểm nhân thọ mới có thể phục hồi, nhưng điều này cũng phụ thuộc vào việc các chỉ số kinh tế, tiêu dùng có tăng mạnh trở lại hay không. Ông nhìn nhận thế nào về triển vọng thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam trong năm 2024?

Doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đang hướng tới một năm 2024 thịnh vượng với những mục tiêu tài chính quan trọng. Đặc biệt, tổng tài sản toàn ngành dự kiến đạt 1.004.421 tỷ đồng, tăng 9,97% so với năm 2023.

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tiếp tục đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của nền kinh tế với vốn đầu tư dự kiến là 850.264 tỷ đồng, tăng 11,51% so với năm trước. Tổng doanh thu phí bảo hiểm dự báo đạt 243.472 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm nhân thọ chiếm 163.785 tỷ đồng (tăng 5%).

Sự mở rộng này thể hiện sự phục hồi và tiến bộ mạnh mẽ của ngành sau những thách thức của năm 2023. Các trụ cột của ngành bảo hiểm nhân thọ vẫn vững chắc: nhân khẩu học, tỷ lệ thâm nhập, CPI trong tầm kiểm soát, tốc độ tăng trưởng và khuôn khổ mới để đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Nghiên cứu mới đây của Igloo cho rằng, các xu hướng chủ đạo của ngành bảo hiểm trong năm 2024 sẽ tiếp tục thúc đẩy hiệu quả hoạt động của chuỗi giá trị bảo hiểm, trong đó trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain có thể trở thành nền tảng của ngành bảo hiểm, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các xu hướng này sẽ được ứng dụng như nào tại MAP Life?

Bảo hiểm nhân thọ là lĩnh vực truyền thống nên hầu hết quy trình nghiệp vụ bán hàng đều khá chuẩn mực vì được quản lý chặt chẽ. Chúng tôi có thể thấy trước nhiều cơ hội sử dụng AI ở các bước khác nhau của mỗi quy trình: AI có thể cung cấp thông tin cho khách hàng và khách hàng tiềm năng, xác định phân khúc thích hợp trong danh mục đầu tư của chúng tôi để cung cấp cơ hội kinh doanh cho mạng lưới bán hàng.

Tiềm năng sử dụng AI trong chuỗi giá trị của chúng ta là vô hạn, nhưng việc triển khai các sáng kiến đó phải tuân theo quy định và dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Khamsaya Soukhavong đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Mirae Asset Prévoir (MAP Life) kể từ ngày 16/4/2024 theo Công văn số 3963/BTC-QLBH của Bộ Tài chính.

Ông Khamsaya Soukhavong có quốc tịch Pháp và là Thạc sĩ Tài chính doanh nghiệp. Ông bắt đầu làm việc cho Tập đoàn Prévoir Vie – văn phòng tại Pháp với vị trí Giám đốc bộ phận phát triển thương mại quốc tế vào năm 2011. Ông từng là nhà tư vấn cho Ban Giám đốc về chiến lược kinh doanh của Tập đoàn.

Năm 2014, ông Khamsaya Soukhavong được bổ nhiệm vào vị trí Phó chủ tịch Prévoir Việt Nam (tên gọi trước đây của MAP Life), sau đó giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng Giám đốc nhiệm kỳ 2017 – 2021.

Với hơn 25 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm, ông Khamsaya Soukhavong được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn dắt MAP Life phát triển theo định hướng chiến lược chung của Công ty.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!