Lọc cơ hội trong nhóm thủy sản

(ĐTCK)  Bức tranh lợi nhuận quý III/2024 phục hồi tích cực cùng với kỳ vọng xuất khẩu gia tăng ở giai đoạn cuối năm cho thấy nhóm doanh nghiệp ngành thuỷ sản đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.

Doanh nghiệp thiết lập lại đà tăng trưởng

Trong quý III/2024, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) ghi nhận 402 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 82% so với cùng kỳ năm 2023, xác lập lại đà tăng trưởng dương kể từ quý IV/2022 – giai đoạn được đánh giá là kết thúc chu kỳ đi lên của ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam. Kết quả này đã kéo lợi nhuận trước thuế luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024 của Vĩnh Hoàn vượt qua cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường chính và là động lực tăng trưởng cho Vĩnh Hoàn khi doanh thu xuất khẩu sang xứ cờ hoa đạt 2.917 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Năm 2024, doanh nghiệp ước tính sẽ đạt doanh thu 13.398 tỷ đồng, tăng 34% và lợi nhuận sau thuế 1.191 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2023.

Động lực để Vĩnh Hoàn có thể đạt được mục tiêu kinh doanh đến từ kỳ vọng các nhà nhập khẩu (Mỹ) thường tăng cường mua sắm để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ dịp lễ, tết cuối năm, sẽ tác động tích cực lên giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam nói chung và Vĩnh Hoàn nói riêng. Trong khi đó, Vĩnh Hoàn hiện là doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá tra fillet đông lạnh lớn nhất sang Mỹ, với 47% thị phần và doanh nghiệp tích cực đầu tư mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm để tối ưu hoá các phụ phẩm trong quá trình sản xuất cá thương phẩm.

Ở nhóm doanh nghiệp ngành tôm, công nghệ tiến bộ giúp tăng tỷ lệ nuôi trồng thành công, từ đó tiết kiệm chi phí đầu vào trên mỗi ki lô gam thương phẩm và cải thiện biên lợi nhuận.

Quý III vừa qua, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sao Ta, mã FMC) đạt doanh thu hơn 2.845 tỷ đồng, tăng 58,6% và lợi nhuận sau thuế 94,8 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận có mức tăng thấp hơn nhiều mức tăng doanh thu chủ yếu là do doanh thu tài chính giảm và chi phí bán hàng tăng. Mặc dù vậy, biên lợi nhuận gộp của Sao Ta được cải thiện từ 10,3% lên 10,8%.

Trong 9 tháng đầu năm nay, sản lượng tôm của Sao Ta tăng 32%, giá bán tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Do phải trích lập dự phòng thuế chống bán phá giá và thuế chống lẩn tránh đối với sản phẩm tôm xuất khẩu vào thị trường Mỹ, lợi nhuận ròng của Công ty chỉ tăng 0,9% so với cùng kỳ.

Với Công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (Minh Phú, mã MPC), quý III/2024 ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng khi doanh thu đạt 2.700 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2023 và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 198 tỷ đồng, trong khi quý liền trước lỗ 88 tỷ đồng và cùng kỳ năm ngoái lỗ 13,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả này chủ yếu là nhờ Công ty có doanh thu tài chính 319 tỷ đồng, gấp gần 32 lần cùng kỳ, phần lớn là khoản cổ tức được nhận từ các công ty con như Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang (270 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Chuỗi cung ứng Thủy sản Minh Phú (27 tỷ đồng). Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Minh Phú ghi nhận doanh thu 6.207 tỷ đồng, tăng 33,5% và lợi nhuận sau thuế 135 tỷ đồng, gấp gần 17 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn chung, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thủy sản có sự cải thiện, trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu toàn ngành có những chuyển biến tích cực. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2024, kinh ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu tôm ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ và chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, với các thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, EU. Xuất khẩu cá tra cũng tăng trưởng ấn tượng, nhờ sự phục hồi của nhu cầu từ các thị trường truyền thống như Mỹ, EU.

Lọc cơ hội trong nhóm cổ phiếu thuỷ sản

Nhu cầu về thủy sản Việt Nam từ các thị trường lớn đang tăng trở lại, đặc biệt đối với các sản phẩm chủ lực như tôm và cá tra.

Ông Lương Duy Phước, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Kafi nhận định, xu hướng kinh doanh tích cực của ngành thuỷ sản có thể kéo dài sang nửa đầu năm 2025. Theo đó, kỳ vọng 2 – 3 quý tới, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành sẽ tiếp tục khả quan.

“Hiện tại, mặt bằng định giá của các doanh nghiệp thuỷ sản đang ở mức hợp lý, nghĩa là không quá đắt, nhưng không còn rẻ. Do vậy, nếu lựa chọn nhóm cổ phiếu thuỷ sản thì nhà đầu tư nên nhắm đến các doanh nghiệp đầu ngành như Vĩnh Hoàn”, ông Phước nói và cho rằng, nhóm cổ phiếu thuỷ sản phù hợp hơn với nhà đầu tư trung và dài hạn.

Hiện các sản phẩm thủy sản của Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh tương đối mạnh từ các quốc gia Nam Mỹ và châu Á khác, nhưng nhu cầu trên thế giới phục hồi mạnh có thể giúp các doanh nghiệp quay trở lại đà tăng trưởng trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu, Công ty Chứng khoán MB dự báo, giá bán trung bình của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nhiều khả năng sẽ đi ngang, dù giá cá tra giống có xu hướng giảm kể từ đầu năm nay do nguồn cung tăng và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi liên tục hạ nhiệt (giá khô đậu tương giảm khoảng 7%). Giá nguyên liệu đầu vào giảm trong khi giá bán đi ngang sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận và lợi thế thuộc về những doanh nghiệp có thị phần xuất khẩu cá tra lớn sang thị trường Mỹ. Tương tự, lợi thế thuộc về các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ và Nhật Bản, với sự tăng trưởng cả về sản lượng lẫn giá bán.

Xét về cơ hội, trong nhóm doanh nghiệp cá tra, Vĩnh Hoàn là cái tên đáng quan tâm khi thị phần xuất khẩu sang Mỹ chiếm đến 45%. Tại Mỹ, các lệnh cấm nhập khẩu thủy sản chế biến có nguồn gốc Nga và sự khan hiếm nguồn cung cá rô phi Trung Quốc đã tạo cơ hội cho cá tra trở thành sản phẩm cá thịt trắng thay thế tiềm năng, giúp triển vọng xuất khẩu cá tra sang Mỹ tiếp tục khả quan. Bên cạnh đó, Vĩnh Hoàn đang đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khi đẩy mạnh phát triển mảng Collagen & Gelatin và tạp phẩm, chiếm lần lượt 8% và 17% cơ cấu doanh thu. Việc đa dạng hóa các dòng sản phẩm phụ sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra dòng tiền ổn định hơn.

Đối với nhóm xuất khẩu tôm, theo ông Dũng, Sao Ta là cơ hội đầu tư cần chú ý. Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả chính thức cho các cuộc điều tra chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, theo đó, Sao Ta bị áp mức thuế chống trợ cấp là 2,84%. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã chủ động trích lập 23 tỷ đồng cho khoản thuế này trong 9 tháng đầu năm 2024. Triển vọng lợi nhuận cả năm 2024 của Sao Ta có thể đi ngang, nhưng tăng trưởng lợi nhuận năm 2025 có thể đạt mức 40% nhờ công suất ở các nhà máy mới gia tăng khoảng 40%, trong bối cảnh xuất khẩu vào Mỹ và Nhật Bản duy trì khả quan, đồng thời doanh nghiệp có thể ghi nhận hoàn nhập chi phí thuế chống bán phá giá đã trích lập từ năm 2023.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!