Các ngân hàng đang tập trung cấp vốn cho cá nhân mua nhà.
(ĐTCK) Để kích cầu vốn tín dụng, các ngân hàng cạnh tranh lãi cho vay mới, mức thấp nhất xuống 3 – 6%/năm. Điều này đã kích thích cầu tín dụng tăng trở lại, nhất là với tín dụng nhà ở.
Lãi vay giảm dần
Thực hiện yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Công văn số 1628/NHNN-CSTT về việc công bố lãi suất cho vay bình quân trước ngày 1/4/2024, các ngân hàng đã rầm rộ công khai lãi suất cho vay.
ACB công bố mức lãi suất cho vay cơ sở áp dụng cho toàn hệ thống là 8,7%/năm. Tại Sacombank, lãi suất vay cơ sở được công bố với VND kỳ hạn 1 – 3 tháng là 4,2%/năm, kỳ hạn 4 – 6 tháng là 5,6%/năm, kỳ hạn 10 – 12 tháng là 7,7%/năm, còn trung dài hạn là 8,5%/năm. VIB công bố lãi suất cho vay bình quân của khách hàng cá nhân ngắn hạn là 7,29%/năm; trung, dài hạn là 8,6%/năm…
Nhiều ngân hàng đã công bố gói vốn ưu đãi với mức lãi suất rất thấp. Chẳng hạn, Agribank cho cá nhân vay thấp nhất 3%/năm với khoản vay kỳ hạn 3 tháng, vốn phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Ở kỳ hạn 3 – 6 tháng, lãi suất niêm yết của Ngân hàng là 3,5%/năm. Agribank áp dụng mức lãi suất 4,0%/năm cho khoản vay từ trên 6 tháng đến 12 tháng. Ngân hàng cũng cho vay mua nhà với lãi suất 6%/năm trong 6 tháng đầu và 6,5%/năm trong 6 tháng tiếp theo.
Khảo sát thực tế cho thấy, lãi suất cho vay mua nhà ưu đãi trong tháng 5 dao động trong khoảng 5 – 6%/năm, áp dụng từ 6 – 36 tháng vay đầu tiên.
Techcombank hiện áp dụng mức lãi suất cho vay mua nhà chỉ 5%/năm trong thời gian ưu đãi 3 tháng đầu tiên, 6%/năm trong thời gian ưu đãi 6 tháng hoặc 6,8%/năm cho thời gian 12 tháng… VPBank cho vay với lãi suất 5,9%/năm cho 6 tháng đầu. HDBank, MSB, ACB, OCB áp dụng lãi suất từ 6,5 – 10,5%/năm…
Nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối cũng cạnh tranh cho vay mua nhà với mức lãi vay thấp, như BIDV cho vay với lãi suất từ 5%/năm, Vietcombank áp dụng lãi suất từ 6%/năm, VietinBank áp dụng lãi suất từ 6,4%/năm…
Sau thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi của nhóm Big4 (BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank) dao động từ 9 – 10%/năm; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân hầu hết trên 12%/năm.
Hiện các nhà băng đang tích cực kích cầu tín dụng bằng các gói tín dụng ưu đãi. Tại BVBank, lãi suất cho vay áp dụng 5%/năm trong 5 tháng đầu kể từ ngày giải ngân; 5,5%/năm cho 6 tháng đầu; 6,5%/năm cho 9 tháng đầu; 7,5%/năm cho 12 tháng đầu và 8,9%/năm cho 18 tháng đầu.
Ngân hàng Shinhan cho vay mua nhà với lãi suất 5,2%/năm cố định trong 1 năm, hoặc 5,5%/năm cố định trong 2 năm, 6%/năm cố định trong 3 năm và 7,5%/năm cố định trong 5 năm (6 tháng đầu được nhà băng này áp dụng mức lãi vay 5,5%/năm).
Mặt bằng lãi vay giảm sẽ kích thích nhu cầu vay vốn mua nhà, từ đó thúc đẩy tăng trưởng của thị trường bất động sản.
TS. Trần Du Lịch Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc khu vực TP.HCM, Ngân hàng Shinhan Việt Nam, từ mặt bằng lãi vay 9 – 10%/năm, lãi suất cho vay trong giai đoạn quý II – III/2023 đến nay chỉ còn quanh 5%/năm. Mức lãi suất này đã rất ưu đãi với nhu cầu vay mua nhà của khách hàng khi vừa hỗ trợ khoảng thời gian đầu khó khăn trong việc thu xếp vốn tự có, vừa ổn định phương án tài chính lâu dài.
Tuy vậy, để tìm được khách hàng vay, đẩy mạnh vốn trong lúc này không dễ. Chủ tịch Hội đồng quản trị MB, ông Lưu Trung Thái cho rằng, cầu vốn chưa thể kỳ vọng đột biến, nhưng sẽ dần tăng trở lại khi nhu cầu về tín dụng mua nhà, ô tô đang đi ngang và nếu giữ vững được phương án đi ngang trong năm nay cũng đã rất tốt.
Cầu vốn cá nhân tăng nhanh
Tăng trưởng tín dụng thoát khỏi tình trạng “âm” kể từ tháng 3/2024. Trong đó, theo các nhà băng, nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân có xu hướng tăng nhanh hơn doanh nghiệp.
Phó tổng giám đốc HDBank, ông Trần Hoài Nam cho biết, hiện cầu vốn cá nhân tăng trưởng tốt. HDBank có Công ty Tài chính HD SAISON đã xây dựng gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất vay tiêu dùng và ghi nhận đến nay, gói tín dụng này giải ngân khá tích cực.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Thành viên Hội đồng quản trị OCB cho hay, trong năm 2024, OCB sẽ đẩy mạnh những phân khúc tín dụng thế mạnh, trong đó bao gồm cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
OCB vừa ký kết thỏa thuận tư vấn chuyển đổi ngân hàng xanh và dịch vụ ngân hàng số bán lẻ, doanh nghiệp SME với IFC. Giai đoạn đầu, IFC sẽ giải ngân khoảng 150 triệu USD cho OCB để cho các khách hàng vay.
Với ACB, phân khúc khách hàng chính là bán lẻ (cá nhân và SME), chiếm 94% tổng dư nợ ngân hàng. Với mảng SME, bà Đinh Thị Thu Thảo, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân ACB cho biết, Ngân hàng sẽ cùng doanh nghiệp dần lớn lên, từ đó phát triển các sản phẩm phù hợp cho doanh nghiệp.
ACB cũng đưa ra mức lãi suất cho vay thấp, từ 4 – 6%/năm, với khách hàng doanh nghiệp. Đối với khách hàng cá nhân, ACB cho vay với lãi suất dao động trong khoảng 6 – 8%/năm.
Đáng chú ý, đối với cho vay mua nhà, theo bà Thảo, ACB còn áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi cố định 7%/năm trong 2 năm đầu kể từ thời điểm giải ngân. Đến cuối quý I/2024, tăng trưởng tín dụng của ACB đạt 3,7% (tương đương 18.000 tỷ đồng).
Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 3,8%; dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp tăng 3,5%. Tăng trưởng tín dụng quý I/2024 của Ngân hàng đi vào các mảng chính, gồm sản xuất – kinh doanh (50%), mua nhà để ở (khoảng 30%), vay tiêu dùng (20%). ACB không cho vay bất động sản đầu tư.
ACB đặt mục tiêu dư nợ tín dụng đến cuối quý II/2024 tăng 9% so với đầu năm. Thị phần của ACB trong mảng bán lẻ khá cao. Trong năm 2024, ACB tiếp tục củng cố vị thế trong phân khúc khách hàng cá nhân, khách hàng SME.
Đối với phân khúc khách hàng cá nhân, thế mạnh của ACB là cho vay hộ sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng sẽ tiếp tục tài trợ theo sự phát triển của phân khúc này, bên cạnh tập trung cho khách hàng doanh nghiệp FDI, xuất nhập khẩu (dệt may, da giày, nông sản), y tế, nhựa, thi công xây lắp (vốn đầu tư công), doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh.
Theo lãnh đạo Techcombank, xét về lĩnh vực bán lẻ, tức là nhóm khách hàng cá nhân thì tỷ lệ được coi là tầng lớp trung lưu trở lên của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng nhanh do tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam vẫn thuộc nhóm cao trên thế giới cũng như tốc độ đô thị hóa nhanh.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, nhu cầu về nhà ở của người dân luôn có và tăng cao, nhất là ở các thành phố lớn nên khi mặt bằng lãi vay giảm sẽ kích thích nhu cầu vốn mua nhà, từ đó thúc đẩy tăng trưởng của thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, ông Lịch nhấn mạnh, các ngân hàng nên tập trung phân khúc tín dụng nhà ở, tức đẩy mạnh cho cá nhân vay mua nhà, thay vì tập trung hỗ trợ vốn cho các chủ đầu tư bất động sản.