Kích cầu sức mua

Lãi suất giảm dần là điều kiện thuận lợi để kích cầu tín dụng tiêu dùng.

(ĐTCK) Trước bối cảnh sức mua giảm khiến đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp khó khăn, nhu cầu vốn yếu, kéo theo kinh tế khó tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng, công ty tài chính đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.

Kích cầu tín dụng tiêu dùng

Cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Văn bản 9668/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Văn bản nêu rõ, để tiếp tục triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nhiều giải pháp, như chủ động cân đối nguồn vốn, đa dạng chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, phân khúc khách hàng, nhất là nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng năm 2024, Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng yêu cầu các ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong năm nay.

Ông Tú nhấn mạnh, chỉ có đẩy mạnh cho vay tiêu dùng thì mới có thể kích cầu được sức mua, từ đó đẩy mạnh được tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, thông qua việc đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng chính thống từ ngân hàng và công ty tài chính sẽ đẩy lùi được vấn nạn “tín dụng đen” đang hoành hành hiện nay.

Hiện đã có hai ngân hàng tham gia chương trình tín dụng 20.000 tỷ đồng cho công nhân vay là HDBank và VPBank, qua hai công ty tài chính trực thuộc của các ngân hàng này là FE Credit và HD Saison.

NHNN cho biết, chương trình tín dụng theo thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và 2 công ty tài chính này đến cuối năm 2023 đã giải ngân được khoảng 10.056 tỷ đồng, tương đương 50%. Tuy nhiên, theo Phó thống đốc, các ngân hàng khác cũng nên tham gia để đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng hơn nữa.

Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank cho hay, Ngân hàng có công ty tài chính trực thuộc và đang đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng tiêu dùng.

Dịp Tết Giáp Thìn 2024, HDBank đã giải ngân được 6.800 tỷ đồng trong gói tín dụng 10.000 tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước thí điểm nói trên. HDBank sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay, cả tín dụng tiêu dùng với hệ sinh thái và tệp khách mở rộng của Ngân hàng hiện nay, nhất là qua công ty tài chính trực thuộc HD Saison.

Nền kinh tế gặp khó khăn trong vài năm qua đã ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân giảm.

Số liệu của NHNN cho thấy, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng giảm hơn 40% trong năm qua, riêng tại 16 công ty tài chính giảm 20% thời gian gần đây. Dù vậy, theo lãnh đạo các nhà băng, với mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp trong nhiều năm trở lại đây và kỳ vọng kinh tế hồi phục thời gian tới sẽ là cơ hội đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.

Lãi vay giảm thấp

Sau giai đoạn tăng trưởng chững lại, tín dụng tiêu dùng đang có triển vọng hồi phục trở lại trong năm 2024. Người tiêu dùng gia tăng vay vốn để chi tiêu, mua sắm cho bản thân và gia đình khi mặt bằng lãi vay giảm thấp và chính sách cho vay nhiều ưu đãi.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nếu như năm 2023, chi tiêu Chính phủ là động lực tăng trưởng chính thì năm 2024, nền kinh tế có thể sẽ được thúc đẩy bởi tiêu dùng nội địa. Các giải pháp thúc đẩy thương mại, dịch vụ hướng tới tiêu dùng nội địa sẽ lan tỏa sang các ngành sản xuất, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi khi sức mua tăng lên.

Hiện đã có hai ngân hàng tham gia chương trình tín dụng 20.000 tỷ đồng cho công nhân vay là HDBank và VPBank, qua hai công ty tài chính trực thuộc của các ngân hàng này là FE Credit và HD Saison.

Theo phân tích của McKinsey, triển vọng lạc quan của người tiêu dùng trung lưu ở Việt Nam vẫn vững vàng, ngay cả khi đối mặt với những thách thức kinh tế và thời kỳ hậu suy thoái. Tương lai nền kinh tế Việt Nam có vẻ đầy hứa hẹn trong thập kỷ tới, với mức tăng trưởng GDP dự kiến dao động từ 2 – 7%/năm trong giai đoạn 2023 – 2030.

Về xu hướng, người tiêu dùng tại Việt Nam đang ngày càng ưa chuộng việc mua sắm qua nhiều kênh, từ cửa hàng truyền thống đến mua sắm trực tuyến. Họ mong muốn sự liên kết mượt mà giữa các kênh để tận hưởng trải nghiệm mua sắm toàn diện. Đặc biệt, người tiêu dùng đang trở nên sáng suốt hơn và có ý thức cao về quản lý chi phí.

Đáng chú ý, để ứng phó với những thách thức kinh tế, các giải pháp tài chính cá nhân như vay vốn, đầu tư tự động… cũng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Họ tìm cách tối ưu hóa các khoản chi tiêu của mình sao cho đem lại nhiều giá trị nhất có thể.

Sau một thời gian nhu cầu vay tiêu dùng chững lại, nhiều người bắt đầu quan tâm hơn đến vay tiêu dùng khi ngân hàng, công ty tài chính tung ra các chương trình cho vay ưu đãi với lãi suất rất thấp. Sản phẩm cho vay cũng được thiết kế linh hoạt để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Không chỉ công ty tài chính, mà hầu hết các nhà băng cũng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Chẳng hạn, ACB đang áp dụng nhiều ưu đãi cho sản phẩm vay tiêu dùng: Khách hàng có thể vay vốn ACB cho các mục đích phục vụ nhu cầu đời sống của cá nhân, gia đình với lãi suất chỉ từ 0,6%/tháng; thời gian ưu đãi lãi suất vay cố định kỳ đầu lên đến 24 tháng, cùng với thời gian ân hạn vốn lên đến 12 tháng; phương thức trả vốn gốc và lãi vay linh hoạt phù hợp với nhu cầu và dòng tiền của khách hàng.

Ngoài ra, ACB còn miễn phí trả nợ trước hạn khi trả thêm vốn gốc lên đến 100 triệu đồng mỗi tháng, giúp khách hàng có thể chủ động sắp xếp tình hình tài chính phù hợp để trả nợ vay tại ACB.

Bên cạnh cho vay phục vụ nhu cầu chi tiêu mua sắm phục vụ đời sống sinh hoạt thường ngày, ACB cũng có nhiều ưu đãi cho các khoản vay tiêu dùng giá trị lớn như vay mua ô tô. Khách hàng có thể sử dụng chính xe mua (ô tô mới và đã qua sử dụng) làm tài sản bảo đảm, số tiền vay lên đến 90% phương án sử dụng vốn, thời gian vay 7 năm…

Thủ tục hồ sơ cho vay của ACB nhanh chóng, với mức cấp tín dụng phù hợp theo nhu cầu của khách hàng, thời hạn cho vay dài lên tới 10 năm tùy sản phẩm, nguồn chứng minh tài chính đa dạng, linh hoạt giúp khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận vốn vay.

Các ngân hàng khác cũng tung ra các gói tín dụng tiêu dùng ưu đãi lãi vay để kích cầu vốn đối với phân khúc này.

Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cho biết, do đặc thù dư nợ cho vay cá nhân chiếm 70% tổng dư nợ nên chủ trương của Ngân hàng là không ngừng đẩy mạnh vốn cho vay tiêu dùng. Agribank có gói tín dụng 60.000 tỷ đồng, trong đó có ưu đãi cho khách hàng cá nhân với mức lãi suất cho vay thấp hơn tối đa 2,5%/năm so với lãi vay thông thường tại Ngân hàng.

Vietcombank cũng đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, thông qua ưu đãi lãi suất. Theo đó, khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua ô tô sẽ được hưởng mức lãi suất chỉ từ 6%/năm. Với tín dụng nhà ở, nhà băng này cho vay với lãi suất dao động từ 6 – 9%/năm.

Tuy vậy, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) khuyến cáo, hiện room tín dụng là vấn đề cần quan tâm, dư địa cho vay nhiều nhưng quan trọng là ngân hàng phải kiếm được khách hàng tốt để cho vay, kể cả cho vay tiêu dùng cá nhân. Đặc biệt, trước bối cảnh nợ xấu có xu hướng gia tăng nhanh như hiện nay, đòi hỏi các ngân hàng phải tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là với tín dụng tiêu dùng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!