Có thể nói đường kháng cự- hỗ trợ là một công cụ phân tích kỹ thuật cơ bản nhất mà mọi Trader đều cần nắm nếu muốn giao dịch hiệu quả. Khi Trader sử dụng các mô hình giá hay những chỉ báo kỹ thuật họ đều phải kết hợp với kháng cự- hỗ trợ để tăng mức độ chính xác.
Khi mới đến với kháng cự- hỗ trợ đa phần các Trader đều cảm nhận rằng nó rất hiệu quả và khá đơn giản, chỉ cần nối các mức đỉnh/đáy lại với nhau và ngồi chờ đợi giá phản ứng lại với những vùng giá mới kẻ. Tuy nhiên, khi bước vào giao dịch thực tế thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Các mức kháng cự- hỗ trợ mà bạn vẽ ra liên tục bị phá và dường như giá chẳng coi những đường đó ra gì. Rồi chúng ta quay sang đổ lỗi cho công cụ này.
Vấn đề không phải giá không phản ứng với kháng cự- hỗ trợ mà là bạn đã vẽ chúng không chính xác. Và cũng giống như bao loại công cụ phân tích kỹ thuật khác, bạn cần phải luyện tập thật nhiều; quá khứ thì luôn đúng, và dự đoán tương lai mới là vấn đề mà chúng ta đang đối mặt.
Bài viết này sẽ phân tích tại sao kháng cự- hỗ trợ hoạt động tốt và tại sao không, đồng thời hướng dẫn cách tìm ra những đường kháng cự- hỗ trợ mà giá tôn trọng.
Nội dung chuỗi bài viết gồm:
1. Khi nào thì đường kháng cự hỗ trợ hoạt động
2. Khi nào thì đường kháng cự hỗ trợ không hoạt động
3. Cách xác định chính xác kháng cự-hỗ trợ
- B1: Tìm kiếm những mức giá kháng cự-hỗ trợ CHÍNH gần mức giá hiện tại;
- B2: Quan sát các điểm xoay của giá xung quanh những mức này;
- B3: Chú ý đến những hành động giá quan trọng trong vùng;
- B4: Lặp lại quá trình để tìm ra những mức kháng cự-hỗ trợ rộng hơn;
- B5: Nếu các mức kháng cự-hỗ trợ quá khó xác định, hãy chuyển chế độ hiển thị giá
1. Khi nào thì kháng cự hỗ trợ hoạt động tốt
Có vô lý không khi Trader vẽ các đường kẻ trên chart rồi chờ giá phản ứng lại với những chúng? Câu trả lời tùy thuộc vào việc đường đó có đúng hay không. Và nếu chúng hoạt động thì phải có lý do!
Khi chúng ta quyết định mua bán một thứ gì đó, chắc chắn sẽ có một vùng giá được cân nhắc cho thứ đó, một vùng giá được chặn bởi hai đầu: ĐẮT-RẺ.
Chúng ta sẽ không mua một chiếc xe máy với giá của một chiếc xe hơi, và ngược lại không ai bán một chiếc xe hơi với giá một chiếc xe máy (tất cả đều mới).
Đây chính là điểm đầu tiên mà chúng ta cần nắm về kháng cự- hỗ trợ.
Các cặp tiền tệ/ hàng hóa mà Trader giao dịch cũng dựa trên nguyên lý này. Điểm khác biệt lớn nhất đó chính là mức đắt-rẻ của các cặp tiền biến động theo từng giây phút và khác nhau về độ lớn ở từng thời điểm.
Một lưu ý là nếu một mức giá càng bị test nhiều lần thì nó càng trở nên yếu đi.
Mức độ biến động giá là luôn thay đổi và rất khác nhau ở từng cặp tiền tệ/ hàng hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Thay đổi lãi suất;
- Chiến tranh;
- Biến động chính trị;
- Các chính sách của NHTƯ;
Những mức giá đắt-rẻ này quan trọng là bởi vì tại đó thường có rất nhiều Trader chờ đợi sẵn sàng mua/bán. Hiểu được nguyên lý này kết hợp với việc quan sát giá phản ứng với chúng sẽ giúp Trader rất nhiều trong quá trình giao dịch.
Những phần tiếp theo mình sẽ đề cập đến việc khi nào thì kháng cự- hỗ trợ không hoạt động tốt, và cách xác định chính xác kháng cự – hỗ trợ, anh em đón theo dõi nhé!
Safe trading!