Đại biểu đề nghị siết chất lượng công ty kiểm toán, Bộ Tài chính nói gì?

Thời gian qua, khi các đại án xảy ra, nhiều chuyên gia đặt vấn đề trách nhiệm của các công ty kiểm toán. Phát biểu tại nghị trường Quốc hội mới đây, không ít đại biểu cũng nêu vấn đề này với Luật Kiểm toán độc lập sửa đổi.

Siết chất lượng công ty kiểm toán độc lập

Bộ Tài chính vừa có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia.

Trong báo cáo, Bộ Tài chính đã giải trình ý kiến Đại biểu Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên Huế) về đề nghị có quy định để siết lại chất lượng của các công ty kiểm toán.

Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã rà soát và đề xuất sửa đổi các quy định cho rõ hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm đối với các doanh nghiệp kiểm toán (Điều 29) đảm bảo nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp kiểm toán.

Cụ thể, dự thảo đã bổ sung thêm nghĩa vụ của doanh nghiệp kiểm toán: “Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam phải duy trì các điều kiện theo quy định tại Điều 21 của Luật này. Trường hợp doanh nghiệp kiểm toán có chi nhánh vẫn phải bảo đảm có ít nhất 5 kiểm toán viên đăng ký hành nghề tại trụ sở chính, không bao gồm các kiểm toán viên đăng ký hành nghề tại chi nhánh”.

Quy định này sẽ giúp các doanh nghiệp kiểm toán phải luôn duy trì các điều kiện theo quy định và phải bảo đảm có ít nhất 5 kiểm toán viên đăng ký hành nghề tại trụ sở chính, không bao gồm các kiểm toán viên đăng ký hành nghề tại chi nhánh tránh tình trạng như hiện nay có doanh nghiệp kiểm toán chỉ có dưới 5 thậm chí là 1-2 kiểm toán viên đăng ký hành nghề tại trụ sở chính.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán khi thực hiện bố trí luân chuyển kiểm toán viên hành nghề thực hiện, ký báo cáo kiểm toán để đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, thực tế hành nghề và phải đảm bảo thời gian tạm ngừng sau khi được tiếp tục ký báo cáo kiểm toán của kiểm toán viên hành nghề.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định rõ hơn về xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập (Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chịu các biện pháp quản lý nhà nước theo quy định của Luật này, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật); bổ sung thêm quy định về đình chỉ hành nghề kiểm toán và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán đối với kiểm toán viên hành nghề để đảm bảo tăng cường tính răn đe, hiệu lực và hiệu quả; quy định rõ các trường hợp không được đăng ký hành nghề kiểm toán và trường hợp phải ngừng hành nghề kiểm toán.

Tăng mức xử phạt để đảm bảo răn đe và phù hợp thông lệ quốc tế

Sáng nay (7/11), Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia.

Về ý kiến của một số đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát mức xử phạt vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập cũng như thời hiệu xử phạt, Bộ Tài chính cho rằng, Luật xử lý vi phạm hành chính hiện đang quy định mức phạt tối đa và thời hiệu xử lý đối với các lĩnh vực, trong đó có Kiểm toán độc lập.

Do vậy, mức phạt và thời hiệu này cần được quy định trong Luật Kiểm toán độc lập, để thay thế cho mức phạt tối đa và thời hiệu xử lý đã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính. Căn cứ vào mức phạt và thời hiệu này, Chính phủ mới có căn cứ để hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Ngoài ra, Luật Kiểm toán độc lập hiện hành (Điều 29) đã có quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán là phải:“Bồi thường thiệt hại cho đơn vị được kiểm toán trên cơ sở hợp đồng kinh tế và theo quy định của pháp luật.”. Do vậy, dự thảo Luật sửa đổi không cần bổ sung thêm quy định này.

Về mức phạt cụ thể, dự thảo Luật Kiểm toán độc lập tăng mức phạt tối đa lên 20 lần so với quy định hiện hành. Bộ Tài chính cho biết, cơ sở để tăng mức xử phạt này là từ kiến nghị của các cơ quan bảo vệ pháp luật (đề nghị phải nâng mức xử phạt cao hơn nữa để đảm bảo tính răn đe) và do mức phạt hiện hành đã được đưa ra từ khá lâu (năm 2008), hiện không còn phù hợp với thực tiễn, nhất là trong bối cảnh lạm phát và lương cơ bản đều đã tăng cao hơn nhiều. Việc tăng mức phạt cũng để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Khoảng 18.000 doanh nghiệp lớn phải kiểm toán bắt buộc

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ vừa qua, một số đại biểu đề nghị phải xác định lại đối tượng kế toán, kiểm toán theo ngành và lĩnh vực. Đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm doanh nghiệp, tổ chức khác có quy mô lớn do Luật Kiểm toán độc lập hiện hành chưa có khái niệm về doanh nghiệp, tổ chức có quy mô lớn.

Nhiều ý kiến lo ngại, số lượng doanh nghiệp trong diện phải thực hiện kiểm toán là khá lớn, chưa kể các tiêu chí dự án nhóm A, B, C trong Luật đầu tư công đang được sửa theo hướng tăng lên sẽ mở rộng số đối tượng phải kiểm toán. Vì vậy, cần phải cân nhắc việc các doanh nghiệp kiểm toán có đủ sức và đảm đương được vấn đề kiểm toán này hằng năm hay không.

Về nội dung này, Bộ Tài chính cho biết đã đánh giá cụ thể về khả năng thực hiện kiểm toán của các doanh nghiệp kiểm toán hiện nay và trong tương lai phù hợp với quy mô đối tượng cần được kiểm toán đảm bảo tính phù hợp, khả thi. Cụ thể, nội dung này Luật sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết.

Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng để xác định, lựa chọn được các tiêu chí đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và bao quát được bức tranh tổng thể về tình hình tài chính, quy mô, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.

Một trong các tiêu chí dự kiến sẽ lựa chọn để xác định quy mô doanh nghiệp, là: (1) Số lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm; (2) Tổng doanh thu của năm hoặc (3) Tổng tài sản.

Ngoài ra, tham khảo kinh nghiệm của quốc tế việc xác định các doanh nghiệp phải thực hiện kiểm toán bắt buộc cũng dựa vào các tiêu chí như trên. Theo cách xác định đó thì hiện nay có khoảng gần 18.000 doanh nghiệp có quy mô lớn cần được kiểm toán bắt buộc, dự kiến tốc độ tăng trung bình doanh nghiệp quy mô lớn mỗi năm từ 4-5%.

So sánh tương quan giữa nguồn cung dịch vụ kiểm toán độc lập hiện nay có khoảng 220 doanh nghiệp kiểm toán (hàng năm tăng trung bình từ 6-7%), 150 chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán; hơn 2.500 người có chứng chỉ kiểm toán viên đăng ký hành nghề (hàng năm tăng hơn 500 người có chứng chỉ kiểm toán viên), với số lượng doanh nghiệp cần được kiểm toán các doanh nghiệp kiểm toán có thể đảm bảo bao quát và cung cấp được dịch vụ cho các doanh nghiệp có quy mô lớn theo tiêu chí nêu trên.

Trường hợp, lựa chọn phương án xác định doanh nghiệp quy mô lớn dựa vào 1 trong 3 tiêu chí nêu trên thì sẽ nâng mức của từng tiêu chí để xác định số lượng doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực kiểm toán. Với thực tế hiện nay, Bộ Tài chính đang xem xét lựa chọn cách xác định quy mô doanh nghiệp dựa vào 2 trong 3 tiêu chí nêu trên.

Đối với đề xuất lựa chọn 1 trong 3 tiêu chí và tăng quy mô từng tiêu chí lên so với mức hiện nay tại dự thảo, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu khi xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật và đánh giá khả năng thực hiện để đảm bảo đáp ứng được nguồn lực của doanh nghiệp kiểm toán. Tuy nhiên, việc nâng tiêu chí lên ở mức bao nhiêu thì cũng cần đánh giá kỹ cơ sở xác định so với phương án lựa chọn 2 trong 3 tiêu chí như đề xuất nêu trên.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!