Cuộc đua thị phần bảo hiểm xe cơ giới nóng trở lại

Bảo hiểm xe cơ giới đang là nghiệp vụ mang lại doanh thu cao cho các công ty bảo hiểm

(ĐTCK)  Mặc dù doanh thu bảo hiểm xe cơ giới chưa lấy lại tốc độ tăng trưởng ấn tượng như giai đoạn trước, nhưng thị trường bắt đầu cảm nhận được sức nóng khi các nhà bảo hiểm đang chạy đua đầu tư vào mảng mang lại nguồn thu lớn này.

Tính đến cuối tháng 8/2024, bảo hiểm xe cơ giới đạt doanh thu 11.731 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23% trong tổng doanh thu toàn thị trường; bồi thường đạt 5.293 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 45,1%. Trong đó, doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 2.950 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6% và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, bồi thường đạt 439 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 18,3%; doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 8.781 tỷ đồng, tăng 2,8% và chiếm tỷ trọng 17%, bồi thường đạt 4.754 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 54,1%.

Về phía doanh nghiệp, Bảo hiểm Hàng không (VNI) – gương mặt mới nổi hồi tháng 5/2024 công bố vươn lên vị trí số 1 về nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và tính đến cuối tháng 8/2024 tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu với doanh thu nghiệp vụ này đạt 1.167 tỷ đồng, tăng trưởng 9,8% và chiếm 12,2% thị phần.

Theo ông Phạm Huy Khiêm – Phó tổng giám đốc VNI, để đạt được vị trí này, VNI đã có định hướng cụ thể theo từng giai đoạn, tập trung mọi nguồn lực vào việc tăng cường trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng thông qua triển khai nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Bảo hiểm DBI thuộc Tập đoàn DB – là nhà bảo hiểm tốp 2 và dẫn đầu về bảo hiểm xe cơ giới của Hàn Quốc, VNI sẽ được chuyển giao nhiều giải pháp, công nghệ tốt nhất để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ngoài ra, trong tháng 7/2024, VNI chính thức đưa trung tâm giám định đi vào hoạt động, thực hiện chăm sóc khách hàng và giám định xe cơ giới theo quy trình khép kín nhằm đơn giản hóa thủ tục giám định, bồi thường.

Hiện tại, tốp 5 doanh nghiệp phi nhân thọ có thị phần doanh thu bảo hiểm xe cơ giới lớn nhất (doanh thu sơ bộ tính đến cuối tháng 8/2024) gồm VNI (12,2%), Bảo hiểm Quân đội – MIC (12%), Bảo hiểm Bảo Việt (11,6%), Bảo hiểm Bưu điện – PTI (11,4%) và Bảo hiểm PVI (10,9%).

Với PTI, sau thời gian tái cơ cấu, nhà bảo hiểm này bắt đầu quay trở lại “sân chơi” thị phần bảo hiểm xe cơ giới với việc mở rộng phân phối qua các đối tác ngân hàng.

Trong khi đó, từ tháng 10 này, PTI triển khai sản phẩm Bảo hiểm bảo hành mở rộng xe ô tô thông qua đối tác Ngân hàng Woori Việt Nam. Trước đó, vào cuối tháng 8/2024, PTI hợp tác với Ngân hàng Shinhan Việt Nam để phân phối sản phẩm này trên hệ thống 52 chi nhánh và phòng giao dịch của Ngân hàng trên toàn quốc.

Trong một diễn biến khác, với mong muốn mang đến sự tiện lợi hơn cho khách hàng trong quá trình sử dụng sản phẩm và dịch vụ, MIC chính thức áp dụng quy trình khai báo bồi thường online bảo hiểm vật chất xe ô tô không cần nộp hồ sơ gốc trên ứng dụng của MIC từ tháng 8/2024.

Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, dù có sự chuyển biến nhưng thị trường bảo hiểm xe cơ giới vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2024. Quá trình tái cơ cấu các mảng nghiệp vụ có lợi nhuận thấp và tỷ lệ bồi thường cao vẫn đang diễn ra, trong khi sức tiêu thụ xe ô tô chưa cải thiện nhiều. Đặc biệt, việc Nghị định 67/2023/NĐ-CP cho phép nhà bảo hiểm giảm phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc lên tới 25% sẽ khiến cạnh tranh nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới càng trở nên khốc liệt hơn.

Dù vậy, phân khúc này còn nhiều dư địa tăng trưởng, ngoài việc thị trường xe ô tô sẽ sớm sôi động trở lại, thì một nguyên nhân quan trọng hơn là nỗ lực cải thiện dịch vụ sau bán hàng, dịch vụ cứu hộ, quy trình xử lý bồi thường… của các nhà bảo hiểm đang dần lấy lại lòng tin của khách hàng. Điển hình là việc xử lý các yêu cầu bồi thường tổn thất sau cơn bão lũ vừa qua, khi cả trăm tỷ đồng đã được chi trả cho những tổn thất liên quan đến xe cơ giới chỉ trong hơn 2 tuần.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!