Cho cá nhân mua TPDN riêng lẻ để đảm bảo khả năng huy động vốn của doanh nghiệp

Trong báo cáo tiếp thu, giải trình, Bộ Tài chính cho biết, việc bổ sung quy định cho phép nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân mua TPDN riêng lẻ là để đảm bảo khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Cho cá nhân mua TPDN riêng lẻ để đảm bảo khả năng huy động vốn của doanh nghiệp

Sáng nay (7/11), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia.

Trước đó, Bộ Tài chính đã có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tổ của Bộ các Đại biểu Quốc hội về dự luật này.

Cụ thể, tại phiên thảo luận tổ, một số ý kiến đồng tình với đề xuất của Chính phủ quy định theo hướng nhà đầu tư được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng TPDN riêng lẻ gồm: một là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức; hai là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân trong trường hợp doanh nghiệp phát hành đáp ứng một số điều kiện cụ thể. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc và đánh giá tác động về việc quy định theo hướng bỏ quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, dự thảo Luật bổ sung đối tượng tham gia là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân trong các trường hợp: (i) tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm và có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng; hoặc (ii) có xếp hạng tín nhiệm và có tài sản bảo đảm; và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp không đáp ứng các điều kiện nêu trên có mức độ rủi ro cao hơn thì chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng, tạo điều kiện tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ an toàn, lành mạnh và hiệu quả hơn.

Giải pháp được lựa chọn tại dự thảo Luật, theo Bộ Tài chính, là cần thiết để giảm thiểu rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và cũng đã được đánh giá tác động kỹ lưỡng để đảm bảo khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế, nâng cao tính minh bạch của thị trường, góp phần phát triển nhà đầu tư tổ chức trên TTCK, phù hợp với Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 đề ra.

Trước đó, phát biểu tại thảo luận tổ, đại biểu Lê Nhật Thành (Hà Nội) đề nghị phải luật hóa quy định trách nhiệm của nhà đầu tư chứng khoán mua, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại các Nghị định hiện hành.

Về nội dung này, Bộ Tài chính cho rằng, phạm vi, đối tượng điều chỉnh của pháp luật chứng khoán là các hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng, các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Nhà đầu tư tham gia giao dịch, đầu tư trên TTCK không chỉ tham gia vào hoạt động mua trái phiếu mà còn đầu tư, giao dịch các sản phẩm chứng khoán khác như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng khoán phái sinh, chứng quyền…

Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ thuộc phạm vi điều chỉnh của cả Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán. Vì thế, nếu quy định trách nhiệm của nhà đầu tư chứng khoán mua, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại dự thảo Luật có thể chưa đảm bảo bao quát, đồng bộ về trách nhiệm của nhà đầu tư (đối với các sản phẩm chứng khoán khác ngoài trái phiếu); đồng thời có thể chưa phù hợp với phạm vi, đối tượng điều chỉnh của pháp luật về chứng khoán.

Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị tiếp tục quy định trách nhiệm của nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nhiệp riêng lẻ tại các Nghị định như hiện nay.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!