Chỉ 30% người Việt Nam trưởng thành hiểu biết về tài chính

(ĐTCK) Hiện chỉ có khoảng 30% người Việt Nam trưởng thành có hiểu biết về tài chính, thấp hơn so với trung bình khu vực ASEAN là 38%. Dù được tiếp xúc hằng ngày với internet, công nghệ, giới trẻ vẫn nằm trong nhóm bị lừa cao nhất trên không gian mạng.

Nhu cầu giáo dục tài chính tại Việt Nam đã trở nên cấp thiết, nhất là khi quy mô thị trường tài chính (bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) hiện đã gấp ba lần quy mô nền kinh tế, với mức tăng trưởng bình quân 14%/năm từ 2021 đến nay.

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Trưởng Ban Đào tạo và Phát triển Công ty cổ phần Chứng khoán SSI tại Họp báo ra mắt chương trình Vũ trụ đồng tiền – The Moneyverse mới đây cho biết, giáo dục đầu tư cho giới trẻ là một trong những ưu tiên hàng đầu cho công tác phát triển thị trường. Giáo dục tài chính đã không còn là một môn học tự chọn, tài chính cá nhân đã một kỹ năng sống cần thiết trong thời đại hiện nay.

Chỉ 30% người Việt Nam trưởng thành hiểu biết về tài chính

“Phát triển thị trường không chỉ bao gồm nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, mà quan trọng không kém đó là phát triển cơ sở nhà đầu tư, nâng hạng nhà đầu tư từ F0 lên nhà đầu tư chuyên nghiệp”, ông Hưng nói.

Tuy nhiên, các chương trình giáo dục tài chính tại Việt Nam còn khá muộn so với tốc độ phát triển của nền kinh tế và thị trường tài chính. Đây là thách thức trong việc nâng cao hiểu biết và kỹ năng của cộng đồng về quản lý tài chính cá nhân, trong đó có cả quản lý tài sản, đầu tư, kiểm soát rủi ro…

Hiện chỉ có khoảng 30% người Việt Nam trưởng thành có hiểu biết về tài chính, thấp hơn so với trung bình khu vực ASEAN là 38%. Giới trẻ tiếp xúc hằng ngày với internet, công nghệ, là lực lượng bắt đầu tiếp cận nhiều với tiền (kiếm tiền, tiết kiệm, đầu tư). Song người trẻ, nhất là thế hệ Gen Z (12-27 tuổi) lại đang loay hoay với tiền, bị bủa vây bởi nạn tín dụng đen, tội phạm tài chính – nằm trong nhóm bị lừa cao nhất trên không gian mạng.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, Gen Z, khi gặp bất cập về tài chính cá nhân sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề, như mất tiền, đầu tư đa cấp, bị lừa đảo… Bản thân ông luôn kỳ vọng Việt Nam có nhiều chương trình giúp người dân kiếm tiền, tiêu tiền và đầu tư tiền thông minh hơn.

Theo góc nhìn của ông Hưng, người trẻ, các nhà đầu tư thế hệ Gen Z có sự khác biệt về giá trị và ưu tiên (đề cao các yếu tố như minh bạch, ESG), đòi hỏi cao về công nghệ, tính tương tác, khẩu vị rủi ro cao hơn, nhưng đồng thời cũng thiếu kinh nghiệm và kiến thức đầu tư. Và GenZ có kiến thức tốt, song cái khó ở đây là chương trình phải đem lại cho các bạn tính thực tế, được trải nghiệm để các bạn hiểu hơn về thị trường, và quan trọng là hiểu và kiểm soát được cảm xúc khi đầu tư.

“Các chương trình hoạt động có lợi cho cả đôi bên, các bạn trẻ được tham gia hoạt động giáo dục đầu tư tài chính kết hợp giải trí, gắn học đi đôi với hành, với trải nghiệm còn SSI cũng có cơ hội để hiểu biết sâu hơn về các nhà đầu tư thế hệ mới, những người sẽ là tương lai của thị trường, ông Hưng cho biết.

Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định, khi có kiến thức về tài chính sẽ làm thay đổi hành vi, thói quen tài chính, cũng như tạo thói quen tài chính tốt cho cộng đồng. Từ đó, người dân sẽ có kiến thức tài chính đúng đắn hơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!