(ĐTCK) Trước bối cảnh thị trường và hành lang pháp lý có nhiều thay đổi, việc ngân hàng và các công ty bảo hiểm cần nhìn nhận lại mối quan hệ hợp tác là điều dễ hiểu.
Mới đây, Manulife Việt Nam và Techcombank đã chính thức công bố ngừng mối quan hệ đối tác phân phối bảo hiểm (bancassurance) độc quyền. Theo thông cáo chung, quyết định này được đưa ra với sự tôn trọng cao nhất dành cho nhau về mục tiêu và những định hướng kinh doanh của cả 2 bên, đồng thời đảm bảo cao nhất các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của khách hàng.
Đại diện hai bên khẳng định, việc chấm dứt mối quan hệ hợp tác này không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào đến quyền và lợi ích của các khách hàng đã tham gia hợp đồng bảo hiểm của Manulife Việt Nam thông qua Techcombank. Mọi quyền lợi theo hợp đồng của khách hàng sẽ không thay đổi và được Manulife đảm bảo đầy đủ. Đồng thời, Techcombank cam kết đồng hành cùng Manulife và khách hàng để quá trình chuyển giao diễn ra suôn sẻ, giúp khách hàng hiểu rằng không có bất kỳ thay đổi nào xảy ra với hợp đồng bảo hiểm của họ và an tâm tiếp tục duy trì hợp đồng bảo hiểm với Manulife Việt Nam.
Thực tế, câu chuyện “hợp – tan” trong mảng bancassurance không phải điều mới mẻ trên thị trường. Trước đó, hồi đầu tháng 2023, Dai-ichi Life Việt Nam đã ngừng hợp tác phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và dịch vụ chăm sóc khách hàng qua HDBank sau nhiều cuộc đàm phán và thỏa thuận. Sau khi ngưng hợp tác, Dai-ichi Life Việt Nam sẽ là đầu mối thực hiện tất cả hoạt động chăm sóc khách hàng và phục vụ hợp đồng bảo hiểm hiện tại của toàn bộ khách hàng đã tham gia bảo hiểm nhân thọ của Công ty thông qua ngân hàng này.
HDBank và Dai-ichi Life Việt Nam công bố hợp tác kinh doanh bảo hiểm nhân thọ vào năm 2015. Theo thỏa thuận hợp tác, trong 10 năm, kể từ tháng 7/2015, Dai-ichi Life Việt Nam là đối tác cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua mạng lưới HDBank toàn quốc. Được biết, hiện nay, HDBank đang hợp tác phân phối các sản phẩm bảo hiểm của FWD Việt Nam, nhưng không phải là hợp đồng độc quyền.
Trong một thương vụ khác, đại diện ABBank cho biết, trong năm qua, ngân hàng này phải chi hơn 200 tỷ đồng phí bồi thường hợp đồng do dừng hợp tác với đối tác bảo hiểm nhân thọ. Được biết, FWD Việt Nam từng là đối tác bảo hiểm nhân thọ độc quyền của ABBank. Hai bên ký kết thỏa thuận bancassurance vào năm 2016 với thời hạn 15 năm, nhưng đến năm 2022 bất ngờ dừng lại. Thay vào đó, ABBank có đối tác mới là Dai-ichi Life Việt Nam vào tháng 12/2022.
Trước nữa, cuối năm 2020, ACB đã ngừng hoạt động phân phối các sản phẩm bảo hiểm cho AIA Việt Nam và Manulife Việt Nam tại tất cả chi nhánh, phòng giao dịch. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh ACB và Sun Life Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trong thời hạn 15 năm.
Trong các mối quan hệ kinh doanh nói chung, giữa công ty bảo hiểm và ngân hàng nói riêng, hợp tác là để các bên cùng có lợi và sự hợp tác sẽ dừng lại khi yếu tố này không còn được đảm bảo, hoặc một trong các bên thay đổi chiến lược kinh doanh và đây là điều bình thường. Thị trường bảo hiểm Việt Nam đã chứng kiến nhiều câu chuyện như vậy trong suốt thời gian qua.
Theo các chuyên gia trong ngành, bancassurance hấp dẫn vì thỏa mãn nhu cầu của cả ngân hàng lẫn công ty bảo hiểm, khách hàng cũng sẽ thuận lợi hơn khi được tiếp cận “một cửa” cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng. Tuy nhiên, trước bối cảnh thị trường và hành lang pháp lý có nhiều thay đổi, việc ngân hàng và công ty bảo hiểm cần nhìn nhận lại mối quan hệ hợp tác là điều dễ hiểu.
Đối với các mối quan hệ hợp tác ngân hàng – bảo hiểm, theo giới quan sát, thời kỳ bùng nổ “deal” giá cao dường như đã qua đi. Trước các yêu cầu cao hơn từ phía cơ quan quản lý trong phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, bancassurance sẽ còn biến động.