Gạo Việt tự tin khẳng định vị thế cả về lượng và chất

{{news.Description}}

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, khối lượng xuất khẩu gạo tháng 10 năm 2024 ước đạt 800.000 tấn với 505 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 10 tháng đạt gần 7,8 triệu tấn với 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2024 ước đạt 626,2 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, đến cuối tháng 10/2024, gạo Việt Nam tiếp tục giữ vị thế chủ lực khi xuất khẩu vào thị trường Philippines, chiếm gần 80% lượng gạo nhập khẩu của quốc gia này.

Mới đây nhất, ngày 4/11 vừa qua, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao, tiềm năng 5 sao năm 2024 trong đó, gạo thơm ST25 vinh dự là sản phẩm duy nhất đạt tiêu chuẩn 5 sao OCOP.

Gạo Việt tự tin khẳng định vị thế cả về lượng và chất

Theo các chuyên gia, xuất khẩu gạo thơm, gạo cao cấp của Việt Nam vẫn đang được giá và ổn định về giá.

Chia sẻ về câu chuyện gạo với liên tiếp các tin vui, Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến tin tưởng, xuất khẩu gạo 10 tháng đạt 4,86 tỷ USD (cả năm 2023 là 4,68 tỷ USD). Trong 10 tháng xuất khẩu 7,8 triệu tấn và hai tháng còn lại của năm 2024 có thể nâng kim ngạch lên trên 8 triệu tấn.

“Ấn Độ vừa cho xuất khẩu gạo trở lại nhưng riêng các phân khúc gạo thơm, gạo cao cấp của Việt Nam vẫn đang được giá và ổn định về giá”, Thứ trưởng Tiến thông tin thêm.

Có thể nói càng về cuối năm những tin vui về gạo và xuất khẩu gạo đã thắp sáng, cổ vũ mạnh mẽ hy vọng tăng trưởng cho cả nền kinh tế năm 2024 và cả năm 2025. Đặc biệt xuất khẩu gạo Việt Nam còn nắm giữ ổn định “ngôi vương” tại một số thị trường. “Ngôi vương” đó không chỉ đơn giản là bảo đảm ổn định nguồn cung gạo hàng hoá mà còn có tác dụng giúp các nước bạn thêm vững tâm trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Đánh giá về triển vọng xuất khẩu gạo cuối năm, ông Hoàng Trọng Thủy – Chuyên gia nông nghiệp cho hay, xuất khẩu gạo vẫn sẽ là điểm sáng của kinh tế. Do đó, doanh nghiệp phải bám sát các thông tin về diễn biến của thị trường, sự thay đổi của người tiêu dùng để tìm các thị trường ngách.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, chúng ta vẫn cần hết sức tỉnh táo để giải trọn vẹn bài toán thị trường thương mại gạo toàn cầu cho dù xuất khẩu gạo Việt Nam đang ở một vị thế chắc hơn nhiều so với thời gian trước đây.

Về nội tại doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn cần đặc biệt quan tâm bảo đảm và duy trì chất lượng gạo giữa các lô hàng xuống tàu. Bởi đây có thể nói là yếu tố sống còn trong việc giữ vững lòng tin từ phía đối tác và khách hàng quốc tế, kể các đối tác khách hàng truyền thống và mới.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt cần tiếp tục duy trì phong độ cạnh tranh lành mạnh, không vì lợi ích doanh nghiệp mà để ảnh hưởng đến hình ảnh của xuất khẩu gạo về giá cả, chất lượng hàng hoá. 

Về các thị trường gạo xuất khẩu, theo các chuyên gia, công tác thông tin thị trường cần được quan tâm để kịp thời nắm vững các diễn biến ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến xuất khẩu gạo, đặc biệt là nhu cầu, thói quen của người tiêu dùng và thị trường. Cũng không vì quá mải mê các thị trường truyền thống mà bỏ rơi, bỏ qua các thị trường ngách…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, trong đó Thủ tướng cho rằng, trong thời đại ngày nay, với xu thế “ăn ngon, ăn sạch”, cạnh tranh lại rất lớn, chúng ta phải “thổi hồn”, thổi sức sống mới vào ngành nông nghiệp, ngành lúa gạo tại ĐBSCL, vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của đất nước. “Chúng ta phải đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng lúa gạo, đặc biệt là xây dựng thương hiệu” – Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh

Hồng Hương-Link gốc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!