2023 – Tài chính tiêu dùng “chạm đáy” khó khăn

Theo ước tính của MBS, năm qua, FE Credit lỗ tới 3.529 tỷ đồng.

(ĐTCK) Có thể nói năm 2023 là một năm đầy khó khăn của các công ty tài chính tiêu dùng khi cầu vốn tiêu dùng giảm, nợ xấu tăng mạnh.

Thua lỗ hoặc lợi nhuận lao dốc…

Điểm chung trong bức tranh kinh doanh của các công ty tài chính tiêu dùng trong năm qua là thua lỗ lớn hoặc lợi nhuận giảm mạnh.

Đến thời điểm này, FE Credit chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2023, song theo báo cáo phân tích mới nhất của MBS Research, năm qua, công ty này ghi nhận thu nhập hoạt động 17.756 tỷ đồng, giảm 13,8% so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế âm 3.529 tỷ đồng, tăng 408 tỷ đồng so với năm 2022.

Tín hiệu tích cực trong bức tranh hoạt động của FE Credit là Công ty có lãi trong quý IV/2023 và chất lượng tài sản có dấu hiệu cải thiện. Cụ thể, trong quý IV/2023, FE Credit ghi nhận 4.234 tỷ đồng thu nhập hoạt động, tăng 0,6% so với quý trước đó, nhưng giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Dù vậy, mức giảm này đã cải thiện đáng kể so với mức giảm 15,4% và 27,1% so với cùng kỳ 2022 trong hai quý đầu năm 2023. Chi phí hoạt động quý IV/2023 giảm 10,2% so với quý trước đó và giảm 32,8% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí dự phòng là 2.162 tỷ đồng, tăng 1,7% so với quý trước đó, nhưng giảm 53,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, quý IV/2023 cũng là quý thứ hai liên tiếp FE Credit ghi nhận chi phí dự phòng giảm so với cùng kỳ năm 2022. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế quý này đạt 208 tỷ đồng, cải thiện tích cực so với khoản lỗ 1.774 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022.

Tại thời điểm cuối năm 2023, nợ xấu của FE Credit ở mức 11,9% – tăng 0,9% so với cuối tháng 9/2023.

Shinhan Finance đã công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với khoản lỗ sau thuế 462,7 tỷ đồng. Trong khi năm 2022, công ty này lãi 312,2 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ đầu tiên kể từ khi Shinhan Card mua lại Prudential Finance và ra mắt thương hiệu Shinhan Finance tại thị trường Việt Nam vào năm 2019.

Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset (Việt Nam) cũng báo lỗ sau thuế 963 tỷ đồng trong năm 2023 (năm 2022 lãi sau thuế 127 tỷ đồng).

Báo cáo tài chính quý IV/2023 của VietCredit ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt 155,3 tỷ đồng, mức lợi nhuận cao kỷ lục tính theo quý của Công ty. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng lợi nhuận lại không đến từ mảng kinh doanh chính.

Trong bối cảnh lĩnh vực tài chính tiêu dùng gặp khó khăn, thu nhập lãi thuần quý IV/2023 của VietCredit giảm 53,5% xuống 158,2 tỷ đồng. Nhờ doanh thu hoạt động kinh doanh khác hơn 404 tỷ đồng, tăng đột biến 804,5% so với cùng kỳ đã giúp tổng thu nhập hoạt động của Công ty vọt lên 548,6 tỷ đồng, tăng 47,7%.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, sự đột biến trên đến từ hoạt động xử lý nợ xấu, với 400 tỷ đồng trong năm 2023.

FE Credit và các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép (16 công ty) đang đối mặt với một vấn đề nan giải chung trong công tác thu hồi nợ với tỷ lệ khách hàng “vay mà không trả” gia tăng nhanh chóng, trong khi chế tài xử phạt chưa có và hoạt động khởi kiện gặp khó.

Ông Marcin Figlus, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro FE Credit.

Ngoài ra, chi phí hoạt động giảm 14,6% giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty tăng tới 112,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 386,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, do kết quả không khả quan trong 2 quý trước đó, lợi nhuận trước thuế cả năm của VietCredit vẫn giảm 66,1% so với năm 2022, xuống còn 25,6 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2023, nợ xấu của VietCredit ghi nhận 853 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 18,47% trên tổng dư nợ cho vay, cao hơn đáng kể so với đầu năm.

Tương tự, Công ty Mcredit vừa công bố thông tin tình hình tài chính năm 2023 với lợi nhuận sau thuế đạt 240 tỷ đồng, giảm 75% so với năm 2022. Do lợi nhuận giảm sâu, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của Công ty từ mức 40,65% giảm xuống còn 8,2%.

Tại HD Saison (công ty tài chính do HDBank sở hữu 49% vốn), ông Đàm Thế Thái, Phó tổng giám đốc Công ty cho biết, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như năm 2023, HD Saison không chịu cảnh thua lỗ nhưng lợi nhuận sụt giảm tới 43% so với năm 2022, đạt 660 tỷ đồng.

…Do nợ xấu “ăn mòn”

Tại VietCredit, sau khi gia tăng trong 4 quý liên tiếp, nợ xấu của Công ty đạt đỉnh vào cuối quý III/2023. Nhưng sang quý IV/2023, số dư nợ xấu giảm xuống 853 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 18,47% nhờ xử lý được khoản nợ xấu hơn 400 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 của VietCredit thể hiện, thu nhập lãi thuần của Công ty giảm xuống còn 915,8 tỷ đồng.

Theo VietCredit, sự giảm sút này một phần đã được bù đắp thông qua thu nhập từ hoạt động xử lý nợ xấu, điều này cho thấy Công ty đã tập trung vào việc quản lý và giảm thiểu rủi ro tín dụng tích cực, một chiến lược có thể coi là phù hợp trong bối cảnh thị trường còn nhiều yếu tố bất định.

Về cơ cấu tài sản, VietCredit ghi nhận sự tăng trưởng ổn định với tổng tài sản cuối năm 2023 đạt 6.849 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm 2022; cho vay khách hàng cũng tăng khoảng 4,6% lên 4.621 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tình hình tín dụng tăng trưởng chậm và cầu vốn tiêu dùng giảm, VietCredit chỉ hoàn thành 20,8% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2023.

FE Credit – công ty tài chính tiêu dùng có thị phần lớn nhất thị trường, cũng ghi nhận dư nợ tăng trưởng âm trong năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 lần lượt ở mức 17,8% và 11,9% – đều tăng so với cuối năm 2022.

Nhìn nhận về việc các công ty tài chính tiêu dùng thua lỗ hay giảm mạnh lợi nhuận trong năm qua, PGS- TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, có nguyên nhân chính là nợ xấu gia tăng.

Các công ty tài chính chủ yếu cho vay tín chấp, khách hàng tập trung ở nhóm người lao động có thu nhập không ổn định nên trong giai đoạn nền kinh tế chung gặp khó khăn, khả năng trả nợ cũng suy giảm.

Cùng với đó, hiện tượng đồng loạt “bùng nợ” từ một bộ phận khách hàng không chỉ làm tăng nợ xấu, mà còn khiến các hoạt động giải ngân cho vay tiêu dùng phải quản trị rủi ro chặt chẽ hơn. Tỷ lệ khách hàng vay không trả nợ ngày càng cao, trong khi chế tài với khách vay chưa đầy đủ, việc khởi kiện lại rất khó đối với khoản nợ giá trị thấp…

Thực tế cho thấy, cùng với khó khăn của thị trường thì tình trạng bùng nợ khiến các công ty tài chính “chùn tay”. Ông Marcin Figlus – Giám đốc Khối Quản trị rủi ro FE Credit cho hay, FE Credit và các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép (16 công ty) đang đối mặt với một vấn đề nan giải chung trong công tác thu hồi nợ.

Với tỷ lệ khách hàng “vay mà không trả” gia tăng nhanh chóng, trong khi chế tài xử phạt chưa có và hoạt động khởi kiện gặp khó với các khoản vay giá trị thấp, các công ty tài chính tiêu dùng buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu tăng cao.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!