Thị trường tài chính nói chung bao gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó 4 thành phần, hay có thể gọi là 4 nhánh quan trọng nhất gồm thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán, thị trường hàng hóa và thị trường tiền tệ. Phân tích mối tương quan giữa các thị trường này cũng chính là mục đích của phân tích liên thị trường – một phương pháp rất quan trọng trong đầu tư dài hạn.
1. Mối tương quan giữa các thị trường tài chính
Nếu như đã tìm hiểu về phân tích liên thị trường hay các mối liên hệ giữa các tài sản, anh em sẽ biết rằng chúng ta có hai loại tương quan nghịch và tương quan thuận. Tương quan giữa các thị trường tài chính mà chúng ta đang đề cập đến cũng không nằm ngoài quy luật này, có những thị trường tương quan thuận với nhau, và cũng có những mối tương quan đối lập nhau.
Trước hết, chúng ta sẽ tìm hiểu tương quan giữa các thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và thị trường hàng hóa. Thị trường tiền tệ (forex) là nơi chúng ta hoạt động chính, nên mình sẽ tách riêng để phân tích sâu hơn phía dưới nhé anh em.
1.1. Thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu
Cổ phiếu và trái phiếu là hai loại tài sản có tương quan khá mạnh, nhưng lại thể hiện rõ sự tác động của chu kỳ kinh tế đối với tương quan giữa các thị trường.
Thông thường, chúng ta có thể thấy được cổ phiếu và trái phiếu có mối tương quan thuận, tức là khi thị trường chứng khoán tăng trưởng thì trái phiếu cũng tăng giá, và ngược lại.
Note: Thị trường trái phiếu ở đây chúng ta lấy trái phiếu chính phủ làm tiêu chuẩn nhé anh em.
Mối tương quan thuận này có thể được giải thích dựa theo tương quan của các thị trường này với lãi suất, cụ thể là tương quan nghịch:
- Khi lãi suất giảm thì dòng tiền sẽ dồn về trái phiếu nhiều hơn (vì gửi tiết kiệm không hiệu quả), qua đó khiến cho giá trái phiếu tăng. Đồng thời, lãi suất giảm lại khiến chi phí vay vốn của các doanh nghiệp được cắt giảm, từ đó giúp họ tối ưu lợi nhuận cho công ty, dẫn đến giá cổ phiếu tăng.
- Ngược lại, khi lãi suất tăng thì trái phiếu giảm giá, và chi phí vay vốn của doanh nghiệp tăng khiến cho giá cổ phiếu cũng sẽ giảm xuống thấp hơn.
Tuy nhiên, chúng ta đang phân tích ở điều kiện “thông thường”, cụ thể là điều kiện lạm phát bình thường, trong tầm kiểm soát, hoặc có thể là lạm phát cao thì mối quan hệ này cũng không thay đổi. Thế nhưng ở một điều kiện đặc biệt hơn, đó là giảm phát thì mọi chuyện sẽ phức tạp hơn, khiến cho mối tương quan giữa các thị trường này ít nhiều bị thay đổi.
Giảm phát thường là kết quả của giai đoạn suy thoái trong chu kỳ kinh tế, khi nhu cầu hàng hóa giảm trầm trọng khiến cho giá cả giảm, điều đó bắt buộc các nhà hoạch định chính sách phải giảm lãi suất để kích cầu, tăng lượng tiền trong lưu thông.
Khi lãi suất giảm, trái phiếu vẫn sẽ tăng giá như nguyên lý thông thường. Thế nhưng, cổ phiếu thì không thể tăng giá, vì đây có thể nói là thời kỳ khủng hoảng, dòng tiền theo đó cũng chỉ tìm đến các tài sản an toàn như trái phiếu thay vì cổ phiếu, và giá cổ phiếu cũng giảm theo lãi suất.
Để hiểu hơn tác động của giảm phát đối với nền kinh tế, anh em có thể tham khảo bài viết dưới đây.
Chúng ta cũng có một ví dụ thực tế để anh em dễ hình dung hơn. Trong biểu đồ bên dưới, chúng ta có chỉ số SPX đại diện cho thị trường chứng khoán, và chỉ số US30 đại diện cho thị trường trái phiếu. Anh em có thể đọc chú thích trên ảnh để thấy được tương quan giữa các thị trường này khi giảm phát và lạm phát.
💡
– Tham gia cộng đồng ZALO tại: Giao Lộ Đầu Tư để học hỏi kinh nghiệm, chiến lược đầu tư cùng Zoom giao dịch thực chiến tin tức hàng ngày
– Tham khảo kế hoạch giao dịch VÀNG – TIỀN TỆ mới nhất hàng ngày tại CHANNEL TELEGRAM: Giao Lộ Đầu Tư
1.2. Thị trường chứng khoán và thị trường hàng hóa
Giá cả trong thị trường hàng hóa có tác động trực tiếp tới tình hình lạm phát, điều này có lẽ chúng ta không cần giải thích gì thêm.
Khi giá hàng hóa tăng, lạm phát cũng sẽ tăng. Và trên thực tế, giá cổ phiếu cũng tỷ lệ thuận với lạm phát. Như vậy, khi giá hàng hóa tăng thì đồng thời giá cổ phiếu cũng tăng. Hay nói cách khác, thị trường chứng khoán và thị trường hàng hóa có mối tương quan thuận.
Tuy nhiên, một lần nữa chúng ta cần lưu ý về chu kỳ kinh tế. Mối tương quan thuận của lạm phát và cổ phiếu có thể xảy ra trong điều kiện lạm phát “bình thường”. Nhưng trong một chu kỳ kinh tế, ngoài điều kiện bình thường, chúng ta không tránh khỏi những thời kỳ lạm phát tăng nóng, thậm chí là siêu lạm phát, thường xảy ra trong giai đoạn khi nền kinh tế đã tăng trưởng đến đỉnh, và bắt đầu chững lại.
Trong thời kỳ này, lạm phát không phải là dữ liệu cho thấy sự tăng trưởng ổn định của GDP cũng như nền kinh tế nói chung, mà nó sẽ gây áp lực và chi phối đến việc tăng lãi suất để kiểm soát khủng hoảng. Và khi lãi suất tăng, như chúng ta đã phân tích, thì giá cổ phiếu cũng sẽ tăng theo.
Như vậy, trong những chu kỳ siêu lạm phát, tương quan giữa thị trường chứng khoán và thị trường hàng hóa có thể trở thành tương quan nghịch. Do đó, anh em cần phân tích tình hình kinh tế vĩ mô trước khi ứng dụng tương quan giữa các thị trường vào trong giao dịch.
1.3. Thị trường trái phiếu và thị trường hàng hóa
Trong điều kiện bình thường, chúng ta có thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu tương quan thuận, thị trường hàng hóa và thị trường trái phiếu tương quan thuận. Từ đó chúng ta hoàn toàn có thể suy ra thị trường trái phiếu và thị trường hàng hóa cũng có tương quan thuận trong điều kiện kinh tế ổn định.
Câu hỏi đặt ra là trong các điều kiện bất thường như giảm phát và siêu lạm phát thì sao?
Trong điều kiện giảm phát, chúng ta có thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu tương quan nghịch, thị trường cổ phiếu và hàng hóa tương quan thuận. Từ đó có thể thấy thị trường trái phiếu và thị trường hàng hóa sẽ có mối tương quan nghịch.
Tương tự, trong điều kiện lạm phát nóng, thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu có tương quan thuận, thị trường cổ phiếu và hàng hóa tương quan nghịch. Vậy, thị trường trái phiếu và hàng hóa trong trường hợp này cũng có tương quan nghịch.
Trên thực tế, việc giá hàng hóa tăng thường gắn liền với sự nóng lên của lạm phát. Chính vì vậy, trong phần lớn thời gian chúng ta có thể thấy thị trường hàng hóa và thị trường trái phiếu tương quan nghịch.
2. Mối tương quan giữa thị trường tiền tệ với các thị trường khác
Thực chất mối tương quan giữa các thị trường khác với thị trường tiền tệ cũng có thể được phân tích tương tự như chúng ta đã phân tích, tuy nhiên vì chúng ta hoạt động chính trên thị trường tiền tệ, nên mình muốn tách riêng ra để anh em tiện theo dõi hơn. Và chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu xem các mối quan hệ này cụ thể như thế nào.
Note: Thị trường tiền tệ là tập hợp của tất cả các loại tiền tệ trên thế giới, khi phân tích liên thị trường thì chúng ta chỉ xem xét từng đồng tiền riêng biệt chứ không phải toàn bộ thị trường tiền tệ nhé anh em.
2.1. Thị trường tiền tệ và thị trường hàng hóa
Mỗi nền kinh tế trên thế giới đều gắn liền với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, và song song với việc trao đổi hàng hóa chính là trao đổi ngoại tệ. Chính vì vậy, thị trường hàng hóa và thị trường tiền tệ có thể nói là có quan hệ khá chặt chẽ với nhau.
Đặc biệt, đối với các nước xuất khẩu hàng hóa thì giá trị tiền tệ của họ gần như gắn liền với giá cả hàng hóa, ví dụ như đồng AUD của Úc hoặc đồng CAD của Canada.
Chúng ta lấy một ví dụ cụ thể để anh dễ hình dung. Nước Úc là quốc gia có trữ lượng vàng lớn nhất thế giới. Khi giá vàng tăng, các nhà đầu tư hoặc các quốc gia khác sẽ phải trả nhiều tiền hơn để mua vàng từ Úc, và số tiền này được tính bằng AUD, qua đó khiến cho đồng AUD mạnh hơn so với các đồng tiền khác.
Như vậy, đồng AUD có tương quan thuận với giá vàng, anh em cũng có thể thấy rõ điều đó qua biểu đồ dưới đây (chỉ số đồng AUD phía trên và giá vàng phía dưới):
Đối với các nước xuất khẩu hàng hóa khác cũng tương tự như vậy, đồng tiền của họ sẽ tương quan thuận với các mặt hàng mà họ xuất khẩu mạnh. Tuy nhiên, từ đó chúng ta cũng suy ra rằng khi phân tích tương quan giữa một loại tiền tệ và hàng hóa, trước hết anh em cần xem xét kỹ lưỡng quốc gia đó có xuất khẩu mạnh hay không, nếu không thì sự tương quan sẽ là khá thấp.
2.2. Thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán
Giá hàng hóa và tiền tệ một nước có quan hệ chặt chẽ với nhau, đó là điều mà chúng ta vừa phân tích. Đối với các nước nhập khẩu hàng hóa, việc đồng tiền giảm so với ngoại tệ sẽ khiến giá nhập khẩu hàng hóa cao hơn, và điều đó khiến cho lạm phát tăng. Lạm phát tăng lại tạo áp lực cho các nhà hoạch định tăng lãi suất, khiến cho thị trường cổ phiếu suy giảm.
Ngược lại, khi đồng tiền tăng giá khiến cho chi phí nhập khẩu giảm, giá hàng hóa cũng giảm, khiến cho lạm phát thấp, và lãi suất cũng sẽ được duy trì thấp, khiến cho cổ phiếu tăng giá.
Qua đó chúng ta có thể thấy thị trường tiền tệ và thị trường cổ phiếu có tương quan thuận, tuy nhiên điều đó là thông qua thị trường hàng hóa làm trung gian. Nhưng trên thực tế, lạm phát của một đất nước không chỉ phụ thuộc vào xuất nhập khẩu mà còn nhiều lĩnh vực khác như dịch vụ, du lịch… Vậy nên mối tương quan này chỉ nên được sử dụng khi anh em giao dịch đồng tiền của một đất nước phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu hàng hóa.
2.3. Thị trường tiền tệ và thị trường trái phiếu
Để hiểu mối tương quan giữa thị trường trái phiếu và thị trường tiền tệ, chúng ta đến với một ví dụ như sau.
Giả sử anh em là một nhà đầu tư quốc tế liên thị trường, đang đứng giữa hai lựa chọn sau:
- Đầu tư vào trái phiếu Mỹ với lãi suất 6%
- Đầu tư trái phiếu Chính phủ Canada với lãi suất 8%
Câu trả lời có lẽ khá đơn giản, chúng ta không có lý do gì mà không lựa chọn trái phiếu Canada với lãi suất cao hơn. Và vấn đề rút ra được ở đây là lãi suất trái phiếu cao sẽ thu hút dòng tiền đầu tư từ nước ngoài nhiều hơn, kéo theo tỷ giá hối đoái của đồng tiền tăng theo.
Tuy nhiên, lưu ý là chúng ta đang nói về lãi suất của trái phiếu, mà giá của trái phiếu thì tỷ lệ nghịch với lợi suất. Như vậy, có thể kết luận rằng thị trường trái phiếu của một quốc gia tương quan nghịch với đồng tiền của họ.
Trong biểu đồ DXY và US30 dưới đây, anh em sẽ thấy rõ được mối tương quan nghịch này:
💡
Các bài viết và nhận định thị trường của Mr. Phan Trọng: TẠI ĐÂY