Peter Brandt là một trader chuyên nghiệp, với sự nghiệp trading bắt đầu từ năm 1976 và mức lợi nhuận bình quân hàng năm ở con số tầm trên 40%. Ông được xếp vào hàng các Phủ thủy thị trường tài chính – Market wizards – vì được phỏng vấn trong chuỗi sách Market Wizards nổi tiếng Wall Street của tác giả Jack Schwager.
Và sau đây là những suy nghĩ của Peter Brandt về khía cạnh “con người” (tâm lý giao dịch) trong trading, mời anh em cùng lắng nghe…
Trên một trong những hội thảo trên web (webinar) hàng tháng của chúng tôi, tôi đã được hỏi về cách tôi xử lý công việc trading trong khoảng thời gian thua lỗ.
Cụ thể, thành viên đặt câu hỏi cho biết họ đang ở trong giai đoạn drawdown (sụt giảm tài khoản) khó chịu kéo dài vài tháng, nhưng có một tia sáng le lói cuối đường hầm vì các giao dịch gần đây hoạt động rất tốt.
Vấn đề nan giải là giờ đây, anh ấy rất khó kiếm được lợi nhuận trước khi giá chạm các mục tiêu lợi nhuận đó, vì kinh nghiệm cho anh biết rằng sẽ không mất nhiều thời gian để một đợt thoái lui đột ngột có thể cắt giảm một nửa lợi nhuận của anh.
Nỗi sợ hãi đang cản trở kế hoạch của anh, và nó khiến anh cảm thấy mệt mỏi. Tất nhiên đây là một câu hỏi kinh điển về tâm lý giao dịch và khía cạnh “con người” trong trading, một câu hỏi mà rất ít trader tự hỏi mình.
Từ câu hỏi này, cho tôi mạn phép đoán 2 điều:
Đầu tiên, tôi đoán là mức drawdown đã sâu hơn mức đáng lẽ anh phải chịu và nó bao gồm ít nhất một vài giao dịch ban đầu có lợi nhuận chuyển thành thua lỗ. Vì thực tế này mà giờ đây anh ấy lo sợ lợi nhuận hiện tại sẽ biến thành thua lỗ.
Thứ hai, tôi đoán là thành viên đó đã không nắm rõ các quy tắc và định hướng để quản lý các giao dịch mở như anh ấy mong muốn – và thực tế này khiến anh ấy dễ dàng hoài nghi kết quả của mỗi sự kiện giao dịch hơn.
Anh ấy hỏi liệu tình huống này đã từng xảy ra với tôi?
Câu trả lời: “Khi nào điều đó không xảy ra với tôi? Chào mừng đến với thế giới tâm lý giao dịch và giao dịch tuỳ ý. Tôi ước mình có thể trả lời câu hỏi một cách xuất sắc, nhưng thật không may, cuộc chiến mà anh ấy mô tả không phải là cuộc chiến mà tôi có thể giành chiến thắng hoàn toàn. Cảm xúc của con người là kẻ thù lớn nhất mà một trader phải đối mặt. Đây là một lý do khiến tôi cực kỳ chỉ trích những “thiên tài” tự nhận mình là những người đạt thành tích giao dịch với winrate cao ngất ngưỡng. Đáng tiếc thay, không có câu trả lời dễ dàng cho vấn đề nan giải này – và mỗi nhà giao dịch tuỳ ý phải tự tìm cách giành chiến thắng trong các trận chiến riêng lẻ, trong cuộc chiến lớn hơn chống lại bản thân. Tôi thậm chí còn không chắc rằng các “hiệp ước hoà bình” cụ thể mà tôi đã đàm phán trong nhiều năm với những kẻ thù bên trong mình có phải là giải pháp tốt nhất cho tất cả các trader khác hay không.”
Vượt qua bản thân và làm chủ tâm lý giao dịch là một cuộc đấu tranh của cá nhân – đây là lý do tại sao các trader nhất quán trong dài hạn đã phát triển nhận thức sâu sắc và không thiên lệch về bản thân họ.
Khi tôi bước chân vào công việc kinh doanh trading vào giữa những năm 1970, có một câu nói văng vẳng trên sàn giao dịch Chicago đại loại như thế này:
“Nếu bạn muốn biết về bản thân mình – tất cả những nỗi bất an, lỗi lầm trong tính cách, vấn đề về niềm kiêu hãnh, lòng tham hoặc ích kỷ, những đặc điểm chưa được giải quyết, v.v. – hãy trở thành một trader.”
Quả đúng làm sao! Khả năng tự nhận thức và quản lý khía cạnh “con người” trong trading là đặc điểm nổi bật của mọi trader vĩ đại mà tôi biết trong nhiều năm qua.
Tôi có thể mô tả một số bước tôi đã sử dụng để tạo ra một “hiệp ước hoà bình” với nỗi sợ, hy vọng hão huyền và lòng tham như sau:
- Không chú trọng đến lợi nhuận trong các giao dịch đang mở và tập trung vào đường cong vốn dựa trên kết quả tuần tự của các giao dịch đã đóng.
- Trở thành một trader bị ám ảnh trong việc quản lý thua lỗ trong giai đoạn drawdown để rốt cuộc, lỗ hổng thua lỗ đó có thể quản lý được – điều này sẽ giúp tôi dễ dàng cho phép các trade thắng tiếp theo có không gian và thời gian để phát triển.
- Giao dịch nhiều vị thế hợp đồng và nhanh chóng kiếm được lợi nhuận trên một phần vị thế. Mặc dù chiến lược này làm giảm lợi nhuận dài hạn của tôi, nhưng nó làm giảm bớt độ biến động của tài sản và tăng khả năng trụ vững của tôi với phần vị thế mà tôi nắm giữ để thu được lợi nhuận lớn hơn.
- Tiếp tục cải tiến các quy tắc và hướng dẫn “thông lệ tốt nhất” để quản lý giao dịch và liên tục nhắc nhở bản thân về mục đích cũng như kết quả dự kiến của chúng.
- Loại bỏ bản thân khỏi việc theo dõi thị trường trong ngày – do đó, phủ nhận những thôi thúc cảm xúc trong ngắn hạn.
- Tập trung vào quá trình giao dịch chứ không phải vào từng kết quả riêng lẻ.
- Vẫn bị thuyết phục rằng việc tối ưu hoá kết quả giao dịch là KHÔNG THỂ.
Những trader nào không có các quy tắc và hướng dẫn quản lý giao dịch cụ thể sẽ phải đối mặt với tình trạng rối loạn cảm xúc lớn nhất vì họ dễ dàng nghi ngờ mọi quyết định – và điều này dẫn đến một vòng luẩn quẩn:
- “Tôi đã chốt lãi quá sớm và để lại rất nhiều tiền trên thị trường – và bây giờ tôi rất hối hận về quyết định của mình.”
- “Tôi đã không chốt lời và giao dịch chỉ là phù du – và bây giờ tôi rất hối hận về quyết định của mình.”
- Và cứ thế lặp đi lặp lại
Thực tế của việc quản lý giao dịch là KHÔNG THỂ tối ưu hóa các quy tắc, hướng dẫn và quyết định. Nếu bạn nảy ra bất kỳ câu trả lời nào cho vấn đề nan giải này, vui lòng cho tôi biết nhé!
💡
– Tham gia cộng đồng ZALO Giao Lộ Đầu Tư để trao đổi học hỏi kinh nghiệm chiến lược đầu tư hàng ngày
– Tham khảo kế hoạch giao dịch VÀNG – TIỀN TỆ mới nhất hàng ngày tại TELEGRAM: Giao Lộ Đầu Tư